Fed tăng lãi suất khủng lần thứ ba liên tiếp, Mỹ vô tư 'xuất khẩu' lạm phát, kinh tế toàn cầu biết làm sao? (Nguồn: Economist) |
Kết thúc cuộc họp 2 ngày (20-21/9), quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố lúc 1800 GMT (1 giờ sáng 22/9 theo giờ Việt Nam) chính thức nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp. Fed cho biết, còn tăng tiếp trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, khẳng định các quan chức ngân hàng này sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để hạ nhiệt nền kinh tế và tránh lặp lại tình trạng mất kiểm soát lạm phát như những năm 1970 và đầu những năm 1980. Với quyết định này, lãi suất tại Mỹ hiện trong khoảng 3-3,25% và các quan chức Fed nhận định lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và năm 2023, sẽ không hạ cho đến năm 2024.
Suy thoái vẫn tốt hơn lạm phát cao
Chủ tịch Fed Powell cùng với thống đốc các ngân hàng trung ương khác đang cùng phát đi thông điệp: Suy thoái kinh tế vẫn tốt hơn lạm phát cao do những hệ lụy sau đó. Ông Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ.
Trong khi Fed hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu Fed để lạm phát tiếp tục tăng và khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.
Nhật báo Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) bình luận, với "sức mạnh" kinh tế, Mỹ có thể thao túng tỷ giá hối đoái mà hoàn toàn không cần bất cứ sự can thiệp nào, chỉ cần tăng lãi suất thì thị trường ngoại hối toàn cầu đã đủ "rúng động".
Kể từ sau khi Fed lần đầu tiên tăng lãi suất vào tháng 3/2022, đồng USD ngay lập tức tăng mạnh, cùng thời gian này, so với USD đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm giá gần 10%, Won của Hàn Quốc mất giá nhiều hơn. Đồng Euro, Yên Nhật và Bảng Anh đều đã rớt giá xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ so với USD. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi cũng không ngoại lệ, đồng Bảng Ai Cập giảm 18%; Forint của Hungary mất 20% giá trị và đồng Rand Nam Phi đã trượt 9,4% so với USD từ đầu năm tới nay.
Tất nhiên phía Mỹ sẽ nói đây không phải là thao túng tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, theo nguyên lý kinh tế ai cũng biết, ảnh hưởng của biến động lãi suất đối với tỷ giá hối đoái như thế nào, việc Mỹ có thừa nhận thao túng tỷ giá hối đoái hay không không quan trọng. Chỉ biết rằng, đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và việc USD tăng giá đương nhiên sẽ tốt hơn.
Vấn đề là nhìn từ góc độ sâu hơn, đồng USD tăng giá chủ yếu xuất phát từ việc Fed nâng mạnh lãi suất. Mục đích của việc tăng lãi suất hiển nhiên là chống lạm phát, nhưng “thủ phạm” gây ra lạm phát leo thang là gì? Mọi người đều nói rằng, giá năng lượng tăng mạnh, nhưng hiện nay giá dầu thô WTI đã về mức tương đương với tháng 10/2021, giá xăng cũng giảm xuống đáng kể, tại sao lạm phát vẫn neo ở mức cao.
Nguyên nhân ở đây là do chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng quá mức của nền kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất thế giới gây nên. Trước đó, Fed không những hạ lãi suất xuống ngưỡng tiệm cận 0, đồng thời thực hiện nới lỏng định lượng để bơm mạnh thanh khoản, chính phủ còn giải ngân hàng nghìn tỷ USD.
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đối với lạm phát không đáng kể. Tuy nhiên, năm 2021 khi nền kinh tế dần phục hồi, lạm phát bắt đầu gia tăng, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại kiên trì “bơm tiền” - thêm 1.900 tỷ USD. Khi đó, tổng cung ngưng trệ, tổng cầu tăng vọt, lạm phát leo thang là điều hiển nhiên.
Lạm phát đang được “nuôi dưỡng”?
Hiện nay, quan điểm của Fed đã thay đổi, nhưng chính quyền của ông Biden vẫn kiên trì chính sách mở rộng. Để giải quyết những vấn đề trong nền kinh tế, Tổng thống Mỹ tin rằng, chỉ cần thúc đẩy năng lực chi trả của các gia đình trung lưu mạnh hơn chính là đang chống lạm phát, do đó Quốc hội đã thông qua “Đạo luật giảm lạm phát”, trợ cấp chi phí năng lượng xanh, thuốc men và giáo dục cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, đạo luật này lại tiếp tục bơm thêm 485 tỷ USD nhu cầu mới vào nền kinh tế, điều này sẽ còn “nuôi dưỡng” lạm phát chứ không thể làm giảm lạm phát.
Kết quả mô phỏng mô hình ngân sách Penn Wharton (PWBM) của Đại học Pennsylvania cho thấy, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng nhẹ trong những năm đầu thực hiện đạo luật này, nguyên nhân do mở rộng trợ cấp an sinh xã hội và y tế có thể khiến người dân tiếp tục gia tăng chi tiêu.
Đối với việc khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, sản xuất bán dẫn và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù có thể thúc đẩy nguồn cung để hạ thấp áp lực lạm phát, nhưng những khoản đầu tư này sẽ làm cho tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy lạm phát đi lên.
Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là nhà kinh tế nổi tiếng Janet Yellen đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch hành động “áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga”, vừa muốn thúc ép Nga không cắt giảm nguồn cung dầu, vừa tìm cách kiểm soát nhu cầu dầu mỏ của các nước nhập khẩu, đồng thời còn muốn hạn chế giá xuất khẩu dầu của Nga.
Đây chính là cái gọi kết hợp sử dụng “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”. Khi kế hoạch này của bà Yellen được thực hiện, liệu có thể thành công trong việc hạ thấp giá dầu hay gây nên sự biến động hỗn loạn giá dầu hiện nay? điều này có thể được kiểm chứng trước cuối năm nay.
Hiện giới kinh tế và cả thị trường tài chính đều không mấy lạc quan về triển vọng lạm phát của Mỹ. Kết quả khảo sát mới nhất do thời báo The Financial Times của Anh thực hiện đối với các nhà kinh tế hàng đầu cho thấy, phần lớn các học giả cho rằng, để giảm lạm phát, lãi suất chính sách của Mỹ sẽ duy trì ở mức trên 4% trong cả năm 2023.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, chính sách mới của Tổng thống Biden có thể sẽ tiếp tục “ngáng chân” các biện pháp thắt chặt tài chính của Fed, lãi suất chắc chắn sẽ cao hơn và đồng USD sẽ mạnh hơn, từ đó gây nên những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, Mỹ “xuất khẩu” lạm phát buộc các nước khác phải đồng bộ thắt chặt, hậu quả là kiềm chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, những nước yếu kém về tài chính có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính, thậm chí vỡ nợ, như Sri Lanka và Pakistan chỉ là những trường hợp đầu tiên. Lạm phát tháng Tám của Mỹ tiếp tục tăng cao, điều này cũng đưa “cuộc chiến tỷ giá hối đoái ngược” này bước vào một vòng đấu mới.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, nhật báo Les Echos của Pháp dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu Cepii cho rằng, trên nhiều phương diện, tình hình kinh tế hiện nay gợi nhớ đến giai đoạn những năm 1970.
Khi đó, các cú sốc năng lượng bắt nguồn từ lạm phát đã dẫn đến tình trạng lãi suất tăng, suy thoái và vỡ nợ ở một số nước đang phát triển. Lịch sử có thể lặp lại với những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bối cảnh hiện nay của kinh tế thế giới không khác gì tình hình diễn ra trong những năm 1970. Thậm chí "hiện tại, một số lĩnh vực có khả năng dễ bùng nổ hơn".
| Nord Stream 2 vĩnh viễn không bao giờ chảy, Đức không lụy vào khí đốt Nga; Tổng thống Putin chỉ nguyên nhân khủng hoảng năng lượng Stephan Weil, Thống đốc bang Lower Saxony, Tây Bắc nước Đức, cho biết, nước này sẽ không bao giờ có thể dựa vào Nga để ... |
| Giá cà phê hôm nay 21/9: Bật tăng mạnh, khả năng ngắt đà giảm, hai năm liên tiếp cầu cao hơn cung, điều gì sẽ xảy ra? Một trong những chỉ báo về việc nguồn cung cà phê thế giới đang thiếu hụt thế nào chính là dữ liệu dự trữ của ... |
| Giá vàng hôm nay 21/9: Giá vàng lùi về sát ngưỡng 1.650 USD, bị chiếm 'vị thế an toàn', chuyên gia nói đầu tư vàng vẫn tốt hơn chứng khoán Giá vàng hôm nay 21/9 trượt dài neo gần mức thấp nhất trong hai năm và vẫn tiếp tục chịu áp lực trước những quyết ... |
| Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Tổng thống Nga chỉ ra nguyên nhân, Moscow không liên quan, khẳng định sẽ thực hiện các nghĩa vụ quốc tế Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Uzbekistan, Tổng thống Putin cũng đổ lỗi cho ... |
| Khủng hoảng năng lượng, cạn kiệt khí đốt đang dồn kinh tế Đức tới chân tường? Nhận định về kinh tế Đức, báo Le Monde cho rằng, ngay mùa Thu này, nền kinh tế số một châu Âu sẽ bước vào ... |