Bài viết đánh giá cú sốc mà U23 Việt Nam tạo được ở giải này là minh chứng rõ ràng cho thành công của việc đào tạo trẻ.
Bài viết ca ngợi trên hành trình đến trận chung kết, U23 Việt Nam đã đánh bại những ứng cử viên sáng giá như Australia và Iraq, vượt qua cả những quốc gia "lắm tiền nhiều của" như Qatar. Ở trận thứ 3 liên tiếp phải đá hiệp phụ, U23 Việt Nam cũng chỉ chịu thua ở phút cuối cùng trước Uzbekistan. Dù không bước lên đỉnh vinh quang, màn trình diễn đó đã thu hút sự chú ý trên khắp thế giới và cho thấy tương lai đầy hứa hẹn.
Fobes so sánh thành công ở cấp độ trẻ của bóng đá Việt Nam với câu chuyện buồn của bóng đá Trung Quốc, chủ nhà vòng chung kết U23 châu Á 2018. Những năm gần đây, bóng đá Trung Quốc được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp tục gây thất vọng tràn trề cho người hâm mộ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Pha tranh bóng giữa Jasurbek Yakhshiboev (trái) của U23 Uzbekistan với Vũ Văn Thanh (phải) của U23 Việt Nam trong trận chung kết U23 châu Á. (Nguồn: AFP) |
Theo Forbes, Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt song lượng cổ động viên đông đảo đa số bị cuốn hút bởi các giải châu Âu hơn là giải quốc nội. Cả hai đều có đội tuyển quốc gia trồi sụt thất thường. Tuy nhiên, trong nỗ lực phát triển bóng đá trong nước lại là sự khác biệt. Thành công của U23 Việt Nam cho thấy không cần đầu tư quá nhiều tiền của, nhưng cần thời gian để hái được trái ngọt.
Bóng đá Trung Quốc đạt mục tiêu tham vọng trở thành một "siêu cường" vào năm 2050 và đây là một bộ phận trong kế hoạch phát triển mạnh mẽ cả nền thể thao nói chung của nước này. Nhưng đang có nhiều lo ngại rằng các tài năng trẻ "hàng nội" khó có thể phát triển trong khi cảm xúc ở người hâm mộ đang phai nhạt dần cùng các thất bại.
Hiện bóng đá Trung Quốc chủ yếu trông ngóng các gương mặt mới được trình làng từ những chương trình đào tạo tốn kém như Học viện bóng đá Quảng Châu Evergrande, được coi là học viện "sang" nhất thế giới trị giá tới 185 triệu USD với 2.800 học viên. Nhưng chen chân vào được lại chủ yếu là những học viên có điều kiện. Ở các thành phố, bóng rổ lại vẫn là môn thịnh hành hơn.
Ở cấp độ giải vô địch quốc gia Trung Quốc Super League, việc đổi chủ và nhà tài trợ xoành xoạch khiến các đội rơi vào cuộc khủng hoảng bản sắc. Trong một thập kỷ, vài đội bóng đổi địa chỉ đến 2 lần hoặc hơn thế. Tên tuổi câu lạc bộ hay logo màu cờ sắc áo cũng thay liên tục. Super League bị coi là chạy theo kiểu "ăn xổi" với thành công phải đo bằng thời gian ngắn ngủi.
Các đội bóng đầu tư không tiếc tiền vào các huấn luyện viên ngoại nhưng lại sa thải nhanh chóng nếu không sớm đạt thành công. Tốc độ cũng thể hiện ở việc các câu lạc bộ mua rồi lại chấm dứt hợp đồng chóng vánh với các ngôi sao lớn tuổi ở cuối sườn dốc sự nghiệp đến từ châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi. Nhưng các tên tuổi xế chiều đó gây tò mò với khán giả hơn là đem lại giá trị chuyên môn hay để bóng đá Trung Quốc học hỏi được điều gì.
Trong khi đó, Forbes so sánh từ 2007, bóng đá Việt Nam đã bắt tay câu lạc bộ Arsenal và mở học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG. Chương trình đào tạo trẻ đó đã gặt hái thành công sau 10 năm. Học viện này làm người ta nhớ đến với những điểm nổi bật là khả năng kỹ thuật, phong cách quyết liệt và thể lực mạnh mẽ của các cầu thủ học viên, chứ không phải quy mô hoành tráng hay số lượng ngút ngàn sân tập. Không có gì thay đổi ở đó ngoại trừ sau một thập kỷ, số cầu thủ từ đây góp mặt ở cấp độ cao nhất ngày càng tăng. Năm ngoái có thời điểm tới 9/18 cầu thủ đội hình U23 Việt Nam là xuất phát từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Bóng đá Việt Nam cũng vươn ra thế giới ở nhiều cấp độ hơn như mới đây là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tại U20 World Cup.
Bài viết trên Forbes cho rằng ở thời điểm hiện tại, những gì dư luận bên ngoài biết về bóng đá Trung Quốc chỉ là các tên tuổi "sao ngoại tuổi hưu" như Carlos Tevez khăn gói ra đi sau 1 năm ngắn ngủi hay Javier Mascherano đã cập bến Super League. Trong khi đó, điều mà mọi người đang nhớ đến với bóng đá Việt Nam là một đội hình trẻ thực sự đầy hứa hẹn.