Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu với giới truyền thông trong cuộc họp báo tại quốc hội nước này ở Canberra, ngày 25/11/2019. (Nguồn: Getty Images) |
"Chính sách diều hâu" có hiệu quả?
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Australia căng thẳng, giới chức quốc phòng và ngoại giao nước này gần như đang ủng hộ “chính sách diều hâu” đối với Bắc Kinh.
Cựu tướng hàng đầu xứ sở kangaroo mới đây đã nhắc lại cảnh báo với quân đội vào năm ngoái về “khả năng cao” xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đánh giá rằng, việc Trung Quốc "bắt nạt" Đài Loan có thể dẫn đến xung đột khu vực.
Ở vị thế thuận lợi hơn, cùng với việc gia tăng chi tiêu quốc phòng ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Canberra đã thể hiện cách đối đầu "bất thường" với Bắc Kinh.
| Australia hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc Australia ngày 21/4 thông báo nước này sẽ hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con ... |
Trong khi đó, Washington được cho là đang đền đáp những nỗ lực của Canberra bằng cách tăng gấp đôi can dự ngoại giao và quân sự với các đối tác của Australia để cùng lên kế hoạch đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào của Trung Quốc.
Nguyên nhân là do sự hung hăng trong ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh đã xuất hiện nhiều hơn vào năm ngoái. Sức ép đáng lo ngại của Trung Quốc — và sự phản kháng — đã xuất hiện trên khắp bản đồ thế giới.
Hành động gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông — neo đậu hàng loạt tàu thuyền xung quanh bãi Đá Ba Đầu hồi tháng 3 vừa qua, đã khiến một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia khác có phản ứng.
Cuộc đối đầu chưa rõ ràng?
Trước các thách thức quân sự và kinh tế do Bắc Kinh đặt ra, sự cứng rắn của Canberra là điều nên làm.
Nhưng Australia đã trở thành trường hợp thử nghiệm cho khả năng chống lại sự gia tăng ảnh hưởng về mặt lãnh thổ và áp đặt kinh tế, chính trị của Trung Quốc.
Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã áp một loạt thuế quan trừng phạt nền kinh tế của Australia.
Giới chức Australia, trong đó có cựu Thủ tướng Kevin Rudd, cố gắng đóng vai trò là người xoa dịu căng thẳng từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh, nỗ lực duy trì xuất khẩu sinh lợi sắt, than và các nguyên liệu thô khác cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trung Quốc – với sức mạnh kinh tế mạnh mẽ, đã mua hơn 1/3 lượng hàng xuất khẩu thô của Australia và có những thuận lợi để đàm phán với Canberra bằng một giọng điệu mà họ không sử dụng với các đối tác thân cận hay đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản.
Sự kết hợp chính sách "ngoại giao chiến lang" cùng những lời lẽ cứng rắn của Trung Quốc nhằm vào đất nước chuột túi đã gây ra những phản ứng gay gắt từ khắp các chính trường Australia.
Tâm lý ở Australia bắt đầu thay đổi sau cuộc điều tra của tổ chức Four Corners vào năm 2017 về ảnh hưởng của Trung Quốc trong chính trị địa phương, khiến hàng loạt các báo cáo, vụ kiện và cáo buộc lẫn nhau được đưa ra.
Nhưng chính virus SARS-CoV-2 đã đặt dấu chấm hết cho bất kỳ sự lạc quan nào về Trung Quốc, khi Australia trở thành một trong những quốc gia đầu tiên kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của sự bùng nổ virus corona ở Vũ Hán của Trung Quốc.
Bắc Kinh phản ứng lại bằng cách hạn chế nhập khẩu và áp thuế trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Australia như sắt, than, lúa mạch, lúa mì, rượu vang, thịt bò và cừu.
Hệ quả là, các nhà xuất khẩu nước này đã phải chịu thiệt hại đáng kể, khi Trung Quốc gần đây tái khẳng định mức thuế trừng phạt 5 năm đối với rượu vang nhập khẩu của Australia.
Tin liên quan |
Biển Đông: Australia và Nhật Bản quan ngại vụ tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu |
Australia đã bắt đầu điều chỉnh lại nhiều khía cạnh trong quan hệ với Trung Quốc.
Việc hủy bỏ biên bản ghi nhớ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã ký gần đây giữa bang Victoria và Trung Quốc, sử dụng luật mới cho phép chính phủ liên bang vượt qua các thỏa thuận của bang, đã bị Bắc Kinh coi là một sự xúc phạm đặc biệt.
Từ quan điểm của Australia, cuộc đối đầu chưa rõ ràng với Trung Quốc vẫn được cho là đang tồn tại.
Trong 2 thập kỷ qua, hải quân Trung Quốc đã chuyển mình từ lực lượng phòng vệ bờ biển thành một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, sở hữu công nghệ đóng tàu tiên tiến, vượt qua nhiều quốc gia.
Về phần mình, Mỹ đã và đang tìm cách ngăn cản những bước tiến của Trung Quốc. Nhưng việc Washington không can dự ở một số khu vực trên thế giới sẽ gây ra thảm họa cho các quốc gia khác, vốn đã và đang phải xoay sở để chống lại sự "bắt nạt" của Bắc Kinh.
Cả Canberra và Washington đều đang mong đợi một cuộc họp giữa những người đồng cấp tại Australia vào cuối năm nay. Hai bên kỳ vọng làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, thắt chặt quan hệ đồng minh 70 năm cũng như hợp tác ứng phó với những thách thức đang ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.