Lễ ký kết thỏa thuận đồng tổ chức Franconomics - 2020 giữa IFI và OIF. |
Tiếp nối thành công của Franconomics lần thứ I (2019) với 25 nước tham gia, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng Pháp ngữ, ngày 22-23/10 tới đây, Bộ Ngoại giao, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế kết nối Doanh nghiệp – Đại học – Địa phương lần thứ 2 với chủ đề “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh”.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu Covid-19, ban tổ chức đã từng có dự định hoãn chương trình Franconomics - 2020. Tuy nhiên, tính độc đáo và ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn đã được OIF đánh giá cao.
Ông Chékou Oussouman, đại diện Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của OIF, nhấn mạnh rằng sự kiện thường niên này “mang tầm vóc quốc tế, không chỉ của riêng Viện Quốc tế Pháp ngữ, mà còn là sự kiện quan trọng của cộng đồng Pháp ngữ nói chung”.
Ngoài ra, đồng hành tổ chức Franconomics - 2020 còn có các cơ quan, tổ chức chính phủ và quốc tế: Cơ quan Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (AUF), Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông (IAMES), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Tập đoàn TIBCO (Mỹ), Công ty Linagora (Pháp), Chương trình khởi nghiệp quốc gia và sự bảo trợ truyền thông của báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Một trong những điểm độc đáo của Franconomics - 2020 chính là hình thức tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với 5 không gian trao đổi về 21 thách thức của khởi nghiệp thông minh trong thời đại 4.0, cho phép kết nối diễn giả và người tham dự tại bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời điểm nào.
Đó là một sự kiện vượt không gian và thời gian, cho phép chúng ta chiến thắng các giới hạn thông thường” - ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI chia sẻ.
Không những thế, nhờ tính ưu việt của công nghệ số, người tham dự đã có thể kết nối với nhau ngay từ thời điểm đăng ký, không bị hạn chế kết nối trong hai ngày diễn ra sự kiện chính. Các thông tin người tham dự, tổ chức, doanh nghiệp được cập nhật liên tục trên trang web của Viện quốc tế Pháp ngữ.
“Chính những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra là chất xúc tác để ban tổ chức tìm ra những phương án, những cách thức tổ chức mới, vừa đảm bảo các quy tắc phòng dịch, vừa tạo không gian kết nối trao đổi giữa các doanh nghiệp, các trường đại học và chính quyền, như mục tiêu chính của Franconomics”, ông Ngô Tự Lập nhấn mạnh.
Viện trưởng cũng chia sẻ thêm “Franconomics - 2020 là tập hợp của 5 không gian thảo luận và kết nối. Mỗi không gian được dẫn dắt bởi một chủ tọa kết nối người tham dự, cùng thảo luận về chủ đề cụ thể. Nếu các hội thảo trước đây thường mang tính bị động, người tham dự chỉ đến nghe, hoàn toàn không có cơ hội trao đổi tự do, thoải mái thì nay, tại Franconomics - 2020, tất cả đều chủ động kết nối, phát biểu, giới thiệu về sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Trung tâm của diễn đàn chính là người tham dự.”
Sự kiện Franconomics - 2019 với chủ đề Kết nối doanh nghiệp - Đại học - Địa phương. |
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi gốc rễ cách thức tổ chức cuộc sống, học tập, nghiên cứu, tương tác, kinh doanh cũng như toàn bộ phương thức tổ chức đời sống nói chung. Tuy nhiên, chính những tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này đã hé lộ cơ hội mới dành cho các tổ chức, cá nhân có tinh thần sáng tạo.
“Bất chấp những khó khăn chung, IFI đang tiến những bước mạnh mẽ để trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu Đại học nổi tiếng trong Cộng đồng Pháp ngữ, một trong những đột phá mới nhất của IFI hiện nay là tiên phong trong việc mở chương trình đào tạo Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ thông tin (FINTECH) .”
Dự kiến trong năm 2021, Franconomics sẽ được tổ chức tại châu Phi, kết nối các trường đại học, doanh nghiệp, cơ quan địa phương tại khu vực mới nổi và đầy tiềm năng này.
Cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt tại châu Phi Tại Diễn đàn năm nay, bên cạnh không gian khởi nghiệp, không gian “Hợp tác giữa các nước phương Nam và với các nước phát triển trong thời đại 4.0” thu hút sự tham gia của rất nhiều cá nhân và tổ chức, đại diện chính quyền Việt Nam - châu Phi và các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Tại không gian này, các diễn giả và khách mời trao đổi và thảo luận về những chủ đề cụ thể như Mô hình phát triển và hợp tác Nam - Nam trong thời đại 4.0, Tam giác hợp tác - khởi nghiệp thông minh châu Âu - Việt Nam - châu Phi, Kinh nghiệm khởi nghiệp ở các nước phát triển : những gợi ý cho các nước phương Nam và Châu Phi - không gian kinh tế mới. Với gần 1,3 tỷ dân, chiếm phần lớn là lực lượng lao động trẻ, châu Phi đang trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới. Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế châu Phi trong tương lai. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy hứa hẹn này. Tuy nhiên, các đại diện doanh nghiệp thừa nhận rằng, họ gặp không ít khó khăn và rủi ro khi dấn thân vào “thiên đường mới” của thế giới trong tương lai này. Không chỉ trao đổi, thảo luận về những tiềm năng, các diễn giả và khách mời cũng đưa ra những đề xuất, những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, hạn chế những nguy cơ, rủi ro trong quá trình tiếp cận châu lục này đối với các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Thông tin diễn giả và khách mời tại không gian “Hợp tác giữa các nước phương Nam và với các nước phát triển trong thời đại 4.0” - Ông Đồng Thế Quang - Phụ trách chương trình, Vụ Pháp ngữ Kinh tế và Số, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) - Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) - Bà Dina El Maoula - Hiệu trưởng Đại học Hồi giáo Lebanon từ 2016, Chủ tịch Hiệp hội các hiệu trưởng Pháp ngữ tại Trung Đông (2016-2019) và Chủ tịch Liên hiệp các trường Đại học Arab (2018-2019) - Ông Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông - Ông Mohamed H'Midouche - Giám đốc điều hành, Tập đoàn Inter Africa Capital (Ma-rốc) - Ông Benoit Ngom - Chủ tịch Học viện Ngoại giao châu Phi - Ông Gerard Doulpanga - Bộ Ngoại giao Cộng hòa Trung Phi - Bà Aïssatou Le Blond - Giám đốc điều hành Công ty M&A Capital - Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục doanh nghiệp và phát triển thị trường, Bộ Khoa học Công nghệ. |
| Chuẩn bị diễn ra Diễn đàn Quốc tế Franconomics - 2020 TGVN. Diễn đàn Quốc tế Franconomics - 2020 với chủ đề 'Từ khởi nghiệp tới khởi nghiệp thông minh' do Bộ Ngoại giao, Tổ chức ... |
| Lần đầu tiên diễn ra Thảo luận mở trực tuyến về hợp tác giữa LHQ và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ TGVN. Sáng ngày 8/9, lần đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở trực tuyến ... |
| Việt Nam nỗ lực chung tay đảm bảo hòa bình trong không gian Pháp ngữ TGVN. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp khẳng định với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên ... |