Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 năm nay không ra thông cáo chung. (Nguồn: g20.org) |
Hội nghị bộ trưởng G20 kéo dài 2 ngày tại Bali (Indonesia) mà không tìm thấy điểm chung liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và hậu quả của nó đối với lạm phát toàn cầu.
Trong bối cảnh các nước thành viên còn chia rẽ về cuộc xung đột tại Ukraine, tình trạng lạm phát gia tăng và các áp lực kinh tế khác, Indonesia - quốc gia giữ chức chủ tịch G20 trong năm nay đã cố gắng thúc đẩy một thông cáo chung song không thành công.
Thay vào đó, Indonesia sẽ ra “tuyên bố của chủ tịch G20”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, quyết định hủy bỏ thông cáo chung được đưa ra “trong một tình huống rất thách thức và khó khăn”.
Đối với "giải pháp thay thế" là tuyên bố của chủ tịch G20, “hầu hết các đoạn thực sự đều được các thành viên G20 ủng hộ”, song “vẫn còn một vấn đề mà họ chưa thể dung hòa”.
Việc G20 không đạt được đồng thuận đã có tiền lệ. Hồi tháng 4, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 không thể ra tuyên bố chung tại cuộc họp ở Washington D.C. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và một số người đồng cấp phương Tây bước ra khỏi cuộc họp khi các quan chức Nga bắt đầu phát biểu.
Trong bài phát biểu khai mạc ngày 15/7, bà Indrawati lên tiếng cảnh báo về việc các nước G20 không đạt được đồng thuận về các mối đe dọa kinh tế lớn như xung đột, giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu tăng cao.
Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo cũng kêu gọi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đoàn kết.
Hội nghị bộ trưởng tài chính được xem là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.