Ngoại trưởng các nước G7 tại Hội nghị. (Nguồn: AP) |
Ngày 11/4, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản), các Ngoại trưởng đã bày tỏ lo ngại về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua một tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên hai vùng biển này.
“Chúng tôi quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đồng thời, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp”, tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày của Hội nghị nêu rõ.
Các Ngoại trưởng cũng phản đối mạnh mẽ bất cứ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay đơn phương khiêu khích nào nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng tại hai vùng biển này. “Chúng tôi hối thúc tất cả các bên dừng các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn trên các đảo, xây dựng các tiền đồn cũng như việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Chúng tôi kêu gọi các bên hành động theo luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không”, trích tuyên bố.
Mặc dù tuyên bố không nêu tên đích danh Trung Quốc nhưng mọi thông điệp đều hướng tới chỉ trích tham vọng của nước này trên hai vùng biển quan trọng - Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đánh giá về phản ứng từ phía G7, ông Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia cho rằng tuyên bố của Hội nghị G7 gửi tới Bắc Kinh lời cảnh báo rằng nếu nước này “làm quá” thì sẽ phải “trả giá”. Hơn nữa, tuyên bố cũng sẽ tạo điều kiện để Mỹ có cơ sở vững chắc hơn trong việc phối hợp với các đồng minh của mình, bao gồm Australia, để đối phó với những động thái của Trung Quốc.
Theo ông Davis, trong bối cảnh tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết liên quan tới vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Biển Đông vào cuối năm nay, Mỹ tỏ ra rất quan tâm tới sự ủng hộ từ phía cộng đồng quốc tế, trong đó có G7, để chống lại các hành động của Trung Quốc tại khu vực này.