Ngày 6/4, Trung Quốc bắt đầu vận hành ngọn hải đăng mà nước này xây dựng trái phép trên đá Subi, quần đảo Trường Sa. (Nguồn: Reuters) |
Theo hãng tin Kyodo, trong tuyên bố về an ninh hàng hải dự kiến công bố sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 27-28/5 tại thành phố Shima (Nhật Bản), các Ngoại trưởng của nhóm G7 sẽ bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua đe dọa hoặc dùng vũ lực.
Bên cạnh đó, tuyên bố dự kiến cũng sẽ đề cập đến sự lo ngại đối với tình hình tại Biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản gần khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết thêm, Ngoại trưởng nhóm G7 sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, đồng thời xác nhận cam kết về tự do hàng không trong bối cảnh có tin cho rằng Trung Quốc có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Jiji Press cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Ông Abe muốn khẳng định sự đoàn kết của nhóm trong việc giải quyết các vấn đề ở châu Á.
Trong một cuộc họp song phương hồi cuối tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản không nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7 vì có thể “ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện quan hệ song phương”. Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng cách hành xử của Tokyo tại hội nghị G7 sẽ là “phép thử” cho quan hệ song phương.
Theo Đài NHK, Nhật Bản đang cân nhắc mời lãnh đạo của 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham dự một cuộc họp mở rộng của hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới. Bảy quốc gia dự kiến được mời gồm Indonesia, Lào (hiện là nước Chủ tịch ASEAN), Việt Nam, Chad (hiện là nước Chủ tịch Liên minh châu Phi), Bangladesh, Sri Lanka và Papua New Guinea. |