📞

G7 tìm kiếm giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường

Việt An 11:14 | 04/06/2021
Các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể khởi động một dự án thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Đồ họa về 5 tuyến đường thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. (Ảnh: Nhóm Quản lý Môi trường Liên hợp quốc).

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới dự kiến sẽ đưa ra “sáng kiến xanh sạch”, nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển. Hiện các chi tiết của sáng kiến vẫn chưa được tiết lộ.

Từ năm 2018, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết, EU đang phát triển một kế hoạch thay thế cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Âu và châu Á.

Bà Mogherini lưu ý rằng, kế hoạch dự kiến thu hút sự tham gia tích cực hơn từ phía các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài chính tư nhân trong việc tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng.

Mỹ thậm chí còn cảnh giác hơn với BRI. Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ thường xuyên công bố các công trình mà về bản chất đều đề cập tới nội dung làm sao đối phó với sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và những gì thế giới phương Tây có thể đưa ra với tư cách đối trọng với dự án này.

Theo Bloomberg, trên thực tế “sáng kiến xanh sạch” xuất phát từ chính gợi ý của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, sáng kiến này chỉ ra những mâu thuẫn hiện đã tồn tại giữa các quốc gia có thể tham gia.

Ví dụ, Đức, Pháp và Italy muốn hỗ trợ các dự án ở châu Phi, còn Mỹ lại quan tâm tới châu Mỹ Latinh và châu Á. Quỹ đạo lợi ích của Nhật Bản bao gồm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thậm chí có thể nảy sinh những bất đồng nghiêm trọng hơn khi thảo luận về các vấn đề tài chính.

Trong khi đó, các nước đang phát triển hầu hết rất hào hứng với BRI. Trong khuôn khổ dự án này, các công ty Trung Quốc đang đầu tư quy mô lớn vào những dự án cơ sở hạ tầng, vốn rất quan trọng với các nước đang phát triển.

Ngoại trừ Italy là nước tỏ ra hào hứng với sáng kiến của Trung Quốc, các nước G7 đề nghị xem xét thận trọng từng dự án đầu tư cụ thể với phía Trung Quốc. Họ nói rằng, tiền của Trung Quốc đôi khi là một gánh nặng nợ nần. Tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng luôn là khoản đầu tư dài hạn mà các nhà đầu tư tư nhân không muốn thực hiện.

(theo Sputnik)