Các đại biểu tham Hội nghị tuyên truyền về thành quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia tại đầu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Vân An) |
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, có sự tham dự của khoảng 60 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành liên quan và khoảng 4.500 đại biểu từ các ban, ngành của tỉnh, các huyện, xã biên giới và các đồn biên phòng trên địa bàn 10 tỉnh biên giới giáp Campuchia với 250 điểm cầu Trung ương và địa phương.
Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phùng Thế Long, Phó Chủ nghiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia và Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin cập nhật về sự phát triển trong quan hệ Việt Nam-Campuchia, khái quát quá trình đàm phán, phân giới, cắm mốc giữa hai nước, đồng thời tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của 2 văn kiện pháp lý về biên giới được hai nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 12/2020.
Phát biểu thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Phùng Thế Long nhấn mạnh về ý nghĩa của "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và "Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia" có hiệu lực vào ngày 22/12/2020.
Ông Phùng Thế Long khẳng định, việc Việt Nam và Campuchiathúc đẩy 2 văn kiện pháp lý đi vào hiệu lực là tiền đề quan trọng củng cố cơ sở pháp lý quốc tế để hai nước tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần không ngừng tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đoàn kết truyền thống, vì lợi ích và phồn vinh của nhân dân hai nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị, nhất là đại biểu của các địa phương biên giới nắm bắt thông tin, tinh thần của Hội nghị nhằm tham mưu, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý biên giới, trong đó chú trọng đến công tác tuyền truyền về nội dung, ý nghĩa của hai văn kiện nêu trên cho các tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh đối diện của Campuchia nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới…
Gần 5000 đại biểu tham dự Hội nghị tại 250 điểm cầu. (Ảnh: Vân An) |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phó Hoàng Hân, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy Ban Biên giới quốc gia cung cấp tới các đại biểu thông tin tổng quan, lịch sử hình thành đường biên giới, tiến trình đàm phán và triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Campuchia từ năm 2005 đến nay, cùng những thuận lợi và khó khăn trong tiến trình đó.
Ông Phó Hoàng Hân nhấn mạnh, hai văn kiện có hiệu lực đã tạo thêm dấu mốc quan trọng trong quá trình gần 40 năm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Campuchia thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và có lợi.
Đến nay, hai nước cơ bản có một đường biên giới rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bởi một hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới, góp phần tạo dựng một đường biên giới hòa hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển bền vững.
Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, giải đáp thắc mắc của các đại biểu từ tất cả các điểm cầu.
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255 km, kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum - Rattannakiri đến cặp tỉnh Kiên Giang - Kampot, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Điểm khởi đầu đường biên giới trên đất liền là vị trí đường giao điểm biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, điểm kết thúc là vị trí cột mốc chính có số hiệu 314 được miêu tả chi tiết trong Nghị định thư Phân giới cắm mốc. |