Năm 2023, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU theo EVFTA ghi nhận tăng 15,4% so với năm 2022. Ảnh minh họa. (Nguồn: Mekong ASEAN) |
Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tận dụng lợi thế từ EVFTA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn, trị giá 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương công bố hôm 16/5 cũng cho hay, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022.
Trong khi châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt 6,1 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022 thì khu vực thị trường châu Âu tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%). Mặc dù vậy, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào khối 27 quốc gia thành viên EU lại ghi nhận tăng 15,4% so với năm 2022. Đây được xem là chỉ dấu tốt để hạt gạo Việt Nam chinh phục thị trường cao cấp này.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 2,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch 1,4 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Còn "đối thủ" Thái Lan xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo, tăng 19,4%. Hiện nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới đang ở mức cao. Nhưng trong tháng 4 vừa qua, giá gạo thế giới liên tục giảm do Việt Nam và nhiều nước đang vào vụ thu hoạch rộ.
Theo Bộ Công Thương, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU, nhờ việc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo, cho biết, năm 2023, Lộc Trời xuất khẩu sang EU đạt 20.263 tấn gạo, tăng 26% so với năm 2022, tổng kim ngạch đạt trên 12 triệu USD. Hết quý I/2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu sang châu Âu đạt gần 2.700 tấn gạo, trị giá gần 2 triệu USD. Năm 2023, Lộc Trời xuất khẩu sang EU đạt 20.263 tấn gạo, tăng 26% so với năm 2022, tổng kim ngạch đạt trên 12 triệu USD.
Ngoài thị trường Pháp, gạo Lộc Trời, thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice", cũng đã đặt chân đến các nước EU như Đức, Hà Lan, Áo...
Theo ông Thuận, nhờ Hiệp định EVFTA với những ưu đãi về thuế quan, việc xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường EU được khuyến khích và mang về kết quả tích cực. Kết quả này cũng cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng tăng, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, liên minh sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào khối mỗi năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Bổ sung danh mục xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường
Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định EVFTA đang triển khai, hiện nay có 9 giống gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Danh mục này được xây dựng từ trước 2015 (khi kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA).
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Hiệp định (từ 1/8/2020), Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay. Việc đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục gạo thơm đang được Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm việc với phía EU.
Mức tiêu thụ hằng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người. Các đánh giá cho rằng, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Tuy nhiên, thị trường này có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội... Gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn. Do đó, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu gạo vào thị trường EU thành công với giá cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, thị trường EU đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài.