Giáo sư Tôn Thất Tùng là một người cha gần gũi, giản dị và hiền hậu.(Nguồn PhunuVietnam) |
Năm 1962, khi tôi phụ trách tạp chí Việt Nam tiến bước (tiếng Pháp, Anh, Quốc tế ngữ), đến phỏng vấn GS Tôn Thất Tùng (lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức). Bài viết bằng tiếng Pháp rất hay, gợi lại khung cảnh một bệnh viện được cải tạo sau ngày Giải phóng Thủ đô (1954) và phong thái sinh động của GS. Tùng năm ông ở tuổi 50. Xin trích dịch và tóm tắt bài báo đó như sau:
Hãy làm quen với GS. Tôn Thất Tùng
Theo con đường rộng rải nhựa, tôi đi qua những bệnh nhân ngồi nghỉ trên ghế đá bên những luống hoa. Một cô y tá dẫn tôi dọc theo một hành lang dài đến phòng GS. Tôn Thất Tùng. Phòng giản dị, một chiếc bàn làm việc lớn, bốn chiếc ghế bành quanh một chiếc bàn tròn, khoảng một chục bình thủy tinh đựng gan người ngâm trong cồn, trên tường treo vài tấm ảnh, trong đó có ảnh GS. Herbst của Trường đại học Leipzig đề tặng. Trước mặt tôi là một người đàn ông áo khoác trắng, thân hình cân đối, rất năng động, rất thanh niên, mặc dầu tóc đã điểm sương bên thái dương. GS. Tùng nói ngay với tôi: “Điều gì cần nói, tôi đã nói hết cho các báo. Tôi còn gì để nói với anh!”… Tuy nói vậy, nhưng không khí trao đổi chẳng mấy chốc trở nên thân mật. Tôi đề nghị ông nói về hoạt động y tế của ông. Ông đáp: “Trước hết, ta hãy nhớ lại hoàn cảnh đất nước ta vào năm 1954, khi ta tiếp quản
Thủ đô. 80 năm Pháp đô hộ kèm theo 9 năm chiến tranh khiến ta kiệt quệ. Không còn một bệnh viện nào ra hồn, nói chi đến trung tâm nghiên cứu. Số bác sĩ phẫu thuật của ta ít ỏi, lại lạc hậu so với nền phẫu thuật thế giới đã có những bước nhảy vọt từ sau Thế chiến II. Cần phải đuổi kịp thế giới trong điều kiện gian nan”.
Chính theo hướng đó mà các bác sĩ phẫu thuật miền Bắc, đặc biệt là GS. Tôn Thất Tùng ra sức hoạt động nghiên cứu. Những tác phẩm khoa học mới nhất được gửi từ Liên Xô, Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ sang. Nhiều nhà phẫu thuật trứ danh được mời tới Hà Nội, trong khi một số chuyên gia Việt Nam được cử đi học bổ túc ở Mátxcơva, Berlin, Bucarest… GS. Tùng cũng đi nghiên cứu nhiều chuyến ở Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc…
GS Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong một giờ giảng giải phẫu.(Nguồn: bacsinoitru) |
“Năm 1958 - GS. Tùng nói - tôi đã chuẩn bị để thử mổ tim. Mãi đến trường hợp bác nông dân Quang, tôi mới quyết định. Bác bị hẹp lỗ van hai lá, lại có tuổi. Tôi phân vân mãi. Một thầy thuốc không thể đùa với cuộc sống của bệnh nhân dù để thực nghiệm khoa học. Tôi đem vấn đề ra bàn ở cuộc họp nhóm chuyên gia phẫu thuật. Thú thật là tôi run lắm khi cầm dao mổ, một sinh mạng ở trong 10 ngón tay tôi. Thế rồi, giữa hai nhịp tim đập, tôi đút được ngón tay trỏ vào trong van hai lá, tôi biết là sẽ thành công… Như vậy, năm đó, tiếp sau Mỹ, Việt Nam đã mổ tim thành công. Từ đó đến nay (1962), các nhà phẫu thuật đã mổ tim cho 300 trường hợp, rất ít tử vong. Ta đang nghiên cứu tiến tới mổ tim ngoài cơ thể”.
GS. Tùng đặc biệt nhấn mạnh về mổ gan, một lĩnh vực rất mới trên thế giới. Vậy mà ngay từ 1960, mặc dù vật chất thiếu thốn, mổ gan đã phát triển ở Hà Nội. Năm 1939, thời Pháp thuộc, BS. Tùng làm việc ở Bệnh viện Bảo hộ (Phủ Doãn) Hà Nội, đã trình bày về hệ thống mạch máu trong gan, ngày nay là một vấn đề nghiên cứu trọng điểm.
Ông giải thích cho tôi (một dân ngoại đạo): Thực ra, cắt gan được biết đến từ lâu, nhưng người ta không nắm được cấu trúc hệ thống mạch máu của gan, vì vậy, mổ gan hay gây xuất huyết. Năm 1952, nhiều nhà phẫu thuật Pháp trứ danh đã tìm cách hệ thống hóa nó và cắt gan có quy trình, tìm được cách ngăn chặn xuất huyết bằng cách thắt những mạch máu ngoài gan. Các bác sĩ Việt ngược lại, chủ trương là có thể và cần thắt những mạch máu không phải ở ngoài gan mà ở ngay trong gan để tránh nhiều tai biến bất ngờ. Họ đã thực hiện được một phương pháp mổ gan khác. Thực tế tỏ rõ quan niệm ấy chính xác. Trong 2 năm, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành 93 ca cắt gan có quy trình thành công, tử vong 18%. Bệnh viện M. ở New York, những năm 1952-1960, mổ 53 ca với 28% tử vong. Thời gian mổ trung bình ở Mỹ là 4 tiếng, ở Hà Nội là 2 tiếng. Phương pháp Tôn Thất Tùng hơn hẳn và bắt đầu được áp dụng bởi một số nhà phẫu thuật Đức, Ý, Đan Mạch...
Từ biệt GS. Tùng, trên đường về, tôi không thôi ngẫm nghĩ về câu nói cuối cùng của ông: “Bệnh nhân điều trị ở đây được bảo đảm cuộc sống như ở bất cứ bệnh viện nào tại Berlin, Mátxcơva hay London” - Vũ Cận (tạp chí Le Vietnam en marche).