📞

Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên

15:30 | 17/06/2017
Diện tích đất tự nhiên lớn, lượng đất đỏ bazan chiếm phần lớn, nhưng Tây Nguyên chưa thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng. Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” sẽ là cơ hội lớn để các địa phương thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu tiềm năng,  tăng cường đầu tư vào vùng.

Ngày 16/6, thực hiện chương trình công tác năm 2017, tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp cùng với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên”.

Hội nghị nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các địa phương khu vực Tây Nguyên và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hội nghị cũng nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời là một hoạt động bên lề của Năm APEC Việt Nam 2017.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham dự Hội nghị về phía Việt Nam có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên; doanh nghiệp đóng tại địa phương cũng như các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Tây Nguyên.

Về phía Hàn Quốc có Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam ông Lee Hyuk; trưởng các cơ quan Hàn Quốc có liên quan và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh vào khu vực Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cho rằng, đây sẽ là dịp tốt để trao đổi về bức tranh chung trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là đầu tư vào khu vực Tây Nguyên.

Thứ trưởng thường trực cho biết, Việt Nam - Hàn Quốc là đối tác chiến lược của nhau. Trong 25 năm qua, hai nước hợp tác phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự tin cậy lẫn nhau. Trong quan hệ hợp tác giữa địa phương cho đến giao lưu nhân dân, hai bên luôn có những hợp tác hiệu quả, tạo sự giao lưu tốt đẹp.

Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, ở mỗi nước có khoảng 150 nghìn người Việt Nam, Hàn Quốc sinh sống, làm việc và đầu tư tạo nên sự gắn bó trong nhân dân rất cao.

Nhờ sự giao lưu hợp tác tốt đẹp, hai nước có những hợp tác kinh tế hiệu quả. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng rất nhanh và chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. Đặc biệt, khi Hàn Quốc là nước đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, sẽ là điều kiện thuận lợi trong quá trình đổi mới, cải cách và mở cửa tại khu vực Tây Nguyên.

Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” sẽ là một cơ hội tốt để Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong năm APEC, tạo làn sóng hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai bên. Đặc biệt, đó là khi Đại sứ Lee Hyuk, các cơ quan, doanh nghiệp của Hàn Quốc đến với tìm hiểu cơ hội các tỉnh Tây Nguyên như sự kiện này.

Về tiềm năng thế mạnh và tương lai phát triển của Tây Nguyên, Thứ trưởng thường trực khẳng định, trong cải cách, đổi mới, tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò trọng tâm. Với thế mạnh trong nông nghiệp, 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế cả nước, nhất là khi Tây Nguyên có tiềm năng lớn, nhưng lại chưa tận dụng khai thác hết được tiềm năng đó.

Ngoài ra, Thứ trưởng thường trực nhấn mạnh, Tây Nguyên còn có thế mạnh trong du lịch, năng lượng tái tạo. Vì vậy, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp hợp tác vào Tây Nguyên, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, coi các doanh nghiệp Hàn Quốc là thành tố quan trọng, để phát huy hết được thế mạnh của Tây Nguyên.

Cùng chia sẻ quan điểm đó, trước những thế mạnh vốn có của Tây Nguyên, Đại sứ Hàn Quốc Lee Hyuk khẳng định Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp không chỉ Hàn Quốc mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây.

Với đặc điểm tự nhiên phần lớn là đất đỏ bazan, Tây Nguyên có tiềm năng về cà phê lớn đứng thứ hai, hồ tiêu đứng thứ nhất thế giới, đây chắc chắn là một khu vực vô cùng thuận lợi trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái sinh và du lịch.

Đại sứ Hàn Quốc (thứ 2 từ phải) tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ mong muốn, không chỉ qua Hội nghị, mà doanh nghiệp Hàn Quốc hãy gặp gỡ trực tiếp để trao đổi với chính quyền địa phương, với nhân dân 5 tỉnh để thúc đẩy đầu tư vào Tây Nguyên. Cùng với đó, Đại sứ cũng kêu gọi Lãnh đạo Tây Nguyên cũng cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ trong đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu vực này.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế tại khu vực nhất là trong nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo nhằm thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào khu vực.

Ông Điểu Kré, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ tạo Tây Nguyên tại Hội nghị thể hiện mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên, tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tưu dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Ông Điểu Kré khẳng định Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ là cầu nối gắn kết giữa nhà đầu tư với địa phương trong tiến trình hợp tác phát triển ngày càng sâu rộng, chặt chẽ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

Với vị trí nằm ở cửa ngõ giao thoa kinh tế chính với các tỉnh phía Nam, tỉnh Đăk Nông sẽ là vùng có tiềm năng lớn trong đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào vùng. Đại diện tỉnh Đăk Nông cho biết, tuy có tiềm năng lớn, nhưng sự hợp tác đầu tư từ các quốc gia trong khu vực nói chung, Hàn Quốc nói riêng vào khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông còn khá khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế cũng như nguồn lực của vùng.

Đại diện tỉnh Đăk Nông mong rằng, qua Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực Tây Nguyên” sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu đến với Tây Nguyên nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch và đầu tư vào hỗ trợ sau tổ hợp alumin - nhôm của tỉnh.