Các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt để đáp lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm vị trí thống trị của đồng USD. (Nguồn: indiasentinels) |
Khởi đầu năm nay, Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo và làm tăng vọt số ca mắc mới trên toàn cầu. Một vài tuần sau đó, biến thể này đã suy yếu trên toàn thế giới, hứa hẹn đại dịch Covid-19 sẽ đi tới hồi kết.
Tuy nhiên, trong khi thế giới đang đón nhận những tín hiệu tích cực này thì xung đột Nga-Ukraine lại nổ ra và gây hỗn loạn kinh tế trên toàn thế giới.
Phản ứng chuỗi
Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như dầu thô, khí đốt tự nhiên, sắt thép, lúa mì và dầu ăn. Do ý nghĩa địa kinh tế, xung đột Nga-Ukraine không giống bất kỳ cuộc xung đột nào trong lịch sử, có tác động trực tiếp đến mức độ lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Các nhà kinh tế lo ngại sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng đáng kể phát sinh từ các lệnh đóng cửa liên quan đến Covid-19 và sức ép lên giá dầu thế giới hai năm trước. Hiện giá dầu thô tăng vọt, vượt 130 USD/thùng và khí đốt tự nhiên đạt 5,7 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (MMBTU).
Lúa mì, dầu ăn, và các mặt hàng khác cũng đồng loạt tăng giá. Những mặt hàng này có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiền điện tử (Joe) trung bình không chỉ ở Mỹ và các nước phương Tây, mà còn ở các nước Nam toàn cầu (bao gồm các nước châu Phi, châu Mỹ Latin, và vùng đang phát triển của châu Á), nơi cú sốc lạm phát thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
“Thêm dầu vào lửa”, Mỹ đã chọn vũ khí mạnh nhất có thể để ngăn chặn Nga thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bằng đòn trừng phạt vào nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba và nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, Mỹ đã đặt ra một phản ứng chuỗi mà theo một số nhà kinh tế, có thể dẫn đến suy thoái kéo dài tới 6 tháng.
Tuy nhiên, việc giữ vị thế tiền tệ dự trữ toàn cầu cho đồng USD sẽ là thách thức dài hạn đối với Mỹ.
Với hệ thống quốc tế đang dịch chuyển theo hướng đa cực và Mỹ không còn là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới khi gặp phải đối thủ "nặng kí" Trung Quốc, sức mạnh và vị thế của đồng USD có thể bị xói mòn. |
Tác dụng phụ của các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây đối với Nga là tăng lạm phát ở châu Âu, Đông Phi và Nam Á, những nhà nhập khẩu lớn nhất lúa mì và năng lượng từ Nga.
Việc tìm kiếm các lựa chọn và thiết lập chuỗi cung ứng thay thế cần thời gian và vốn, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển các cơ chế thay thế để phá vỡ các biện pháp trừng phạt.
Để không rơi vào tình cảnh như Nga, nhiều quốc gia đã đa dạng hóa tiền tệ dự trữ ngoài USD, giao dịch bằng tiền tệ của chính quốc gia mình chứ không phải là đồng USD. Điều này đang châm ngòi cho một cuộc tranh luận về vai trò của đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Brazil, Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng với Nga, chiếm hơn 24% GDP toàn cầu và 16% thương mại toàn cầu. Tương tự, châu Phi chiếm 3% GDP toàn cầu và dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2050, nhiều quốc gia có thể sẽ xem xét lại việc sử dụng đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Các nước tìm cách đa dạng hóa đồng tiền dự trữ
Những cú sốc lạm phát rất khó được tiếp nhận ở các nước đang phát triển và kinh tế thị trường mới nổi. Mức lạm phát tăng tại một vài nước trong số các nền kinh tế này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cân bằng và thậm chí là sự sụp đổ của chính phủ tương ứng. Do đó, các nền kinh tế này hiển nhiên cần tìm cách tránh tác động của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Ngay cả châu Âu, một phần của liên minh phương Tây, cũng tìm kiếm các thỏa thuận thương mại bằng đồng Ruble-Euro để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung khí đốt của Nga.
Nguồn cung khí đốt từ Nga giữ cho các nhà máy hoạt động và ngôi nhà được thắp sáng ở châu Âu, đặc biệt là ở Italy và Đức. Nền kinh tế của họ sẽ đóng băng nếu không có sẵn khí đốt từ Nga. Do đó, các cơ chế thay thế phải được thiết lập càng sớm càng tốt.
Hơn nữa, trải nghiệm này có thể buộc châu Âu lựa chọn giữa việc ưu tiên liên minh xuyên Đại Tây Dương và hỗ trợ Mỹ một cách mù quáng, ngay cả khi phải tốn kém về mặt kinh tế, hay đặt lợi ích kinh tế châu Âu lên trước quan hệ với đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Hậu quả của các lệnh trừng phạt này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các nước Nam bán cầu. Chẳng hạn như Ấn Độ nhập khẩu hơn 80% nhu cầu dầu thô của mình và việc tăng giá sẽ dẫn đến lạm phát và thậm chí là khủng hoảng cán cân thanh toán nếu New Delhi mua ở mức giá thị trường hiện tại. Do đó, có thể hiểu tại sao chính phủ Ấn Độ lại xem xét nghiêm túc đề nghị bán dầu thô của Nga với mức chiết khấu khoảng 30% so với giá thị trường.
Hồi đầu tháng, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến việc đa dạng hóa các loại tiền dự trữ bao gồm tiền tệ quốc gia, vàng và các mặt hàng khác. Và Nga dường như không phải quốc gia duy nhất nghĩ tới việc đa dạng hóa đồng tiền dự trữ. Các quốc gia ở Đông Phi và Nam Á sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế khi chính các nước này cũng đã bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các biện pháp trừng phạt và có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Mặc dù các học giả quan hệ quốc tế và các nhà kinh tế của Mỹ có thể không thể nhìn thấy mối đe dọa đối với vị thế của Mỹ, các quốc gia Nam bán cầu có thể ít say mê hơn với “chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ” (American exceptionalism) và tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD.
Quyền bá chủ của đồng USD phụ thuộc vào quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Với hệ thống quốc tế đang dịch chuyển theo hướng đa cực và Mỹ không còn là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới khi gặp phải đối thủ "nặng kí" Trung Quốc, sức mạnh và vị thế của đồng USD có thể bị xói mòn.
Với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác từ các nước Nam bán cầu, sự thống trị của đồng USD có thể đang giảm sút.
Vấn đề đặt ra là đồng USD đang dần mất đi sự thống trị giữa các loại tiền tệ toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt để đáp lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm này.