Kinh tế Nhật Bản chưa thấy tín hiệu phục hồi. (Nguồn: Reuters) |
Đây là lần sụt giảm đầu tiên trong vòng hai quý do nhu cầu trong nước yếu và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận dữ liệu an toàn xe.
So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản, đã được điều chỉnh theo lạm phát, giảm 0,5%, không thay đổi so với báo cáo trước.
Tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản, giảm 0,7%, không thay đổi so với số liệu trước đó. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm, cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong quý trên giảm 5,1%, bất chấp du lịch tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đồng yen mất giá thúc đẩy du khách nước ngoài đến Nhật Bản.
Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 3,4% trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng giảm.
Ông Kohei Okazaki, nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities cho rằng: "Số liệu GDP sau điều chỉnh sẽ thôi thúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất trong tương lai vì cơ quan này có thể nhận thấy đầu tư vốn đang tăng lên dù chỉ một chút".
Cũng trong ngày 10/6, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng Tư đạt 2.050 tỷ Yen (tương đương 13,1 tỷ USD).
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay đối với tháng này nhờ lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài.
Thâm hụt thương mại tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước lên mức 661,5 tỷ Yen (tương đương 4,2 tỷ USD), trong đó nhập khẩu tăng 8,5% lên khoảng 9.090 tỷ Yen, trong khi xuất khẩu tăng 2,4% lên khoảng 8.430 tỷ Yen.
Giới chuyên gia nhận thấy, kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử như tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản, đã giảm 0,7% trong quý I/2024.