📞

Giá cà phê hôm nay 1/1/2022, Giá cà phê đồng loạt giảm ngày đầu năm, toàn cầu có thể thiếu hụt 12,8 triệu bao

Gia An 05:16 | 01/01/2022
Chuyên gia tư vấn Gil Barabach của Safras & Mercado ở Brazil khẳng định yếu tố quyết định thị trường năm 2022 là quy mô vụ mùa sắp tới của nước này với ước tính chung là sẽ giảm khoảng 10 – 12 triệu bao, so với vụ mùa kỷ lục năm 2020 thu hoạch được 50 triệu bao arabica.
Giá cà phê trong nước tăng 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối năm (31/12). (Nguồn: Quirkycoffeeco)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 1/1

Giá cà phê giao dịch trên hai thị trường kỳ hạn cùng nhau giảm, khối lượng thương mại trong phiên vừa qua đều rất thấp do phần lớn nhà giao dịch đã rời khỏi thị trường cho kỳ nghỉ kéo dài cuối năm và Tết năm mới 2022.

Giá cà phê arabica tiếp tục điều chỉnh giảm có tính kỹ thuật, trong khi thị trường vẫn còn tâm lý e ngại nguồn cung khan hiếm và những vấn đề về logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Giá cà phê robusta quay lại với phiên giảm trước ngày sang năm mới, khối lượng thương mại cũng duy trì ở mức rất thấp, trong khi báo cáo tồn kho tại sàn London tiếp tục sụt giảm với nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến gia tăng trước Giáng Sinh và Năm mới.

Ghi nhận của TG&VN vào giờ đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ngày 31/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm nhẹ 3 USD (0,13%), giao dịch tại 2.370 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 2 USD (0,09%), giao dịch tại 2.310 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp, hiện tượng giá đảo tiếp tục duy trì.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 2,75 Cent (1,2%), giao dịch tại 226,1 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 2,8 Cent (1,22%), giao dịch tại 226,0 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước tăng 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối năm (31/12).

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.428

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.600

+ 100

LÂM ĐỒNG

40.800

+ 100

GIA LAI

41.500

+ 100

ĐẮK NÔNG

41.500

+ 100

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Tồn kho trên cả 2 sàn phái sinh tiếp tục giảm. Sàn London đã bắt đầu vào vùng quá mua, do vậy giới chuyên gia dự báo có thể sẽ có đợt điều chỉnh giảm ngay trong đầu năm 2022 trước khi có thể chinh phục những mốc cao hơn.

Trong ngắn hạn, giá cà phê toàn cầu được dự báo sẽ ổn định do các nước phương Tây bước vào kỳ nghỉ Năm mới 2022. Về trung hạn, thị trường cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sản lượng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Theo Ecom Trading, dự báo trong niên vụ cà phê 2021/2022 toàn cầu có thể thiếu hụt 12,8 triệu bao do tổng sản lượng chỉ ở mức 158 triệu bao, giảm 9,4% so với niên vụ cà phê trước đó.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 có khả năng giảm do nhiều cây trồng già cỗi không được tái canh kịp thời vì mức giá thấp kéo dài, trong khi một số diện tích đáng kể được nhà nông chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Tuần cuối cùng của năm 2021, giá cà phê robusta tăng khá đều đặn, tiến gần sát mốc 2.500 USD/tấn. Nguyên nhân do Việt Nam vừa ước báo xuất khẩu cà phê tháng cuối cùng của năm 2021 chỉ đạt 2,17 triệu bao, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, xuất khẩu cà phê cả năm 2021 đạt tổng cộng 1,52 triệu tấn, giảm 2,7% so với xuất khẩu của năm 2020. Chi phí vận tải tăng cao và việc thiếu containers đã làm xuất khẩu cà phê từ Việt Nam bị chậm lại.

Còn theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia Colombia (Fedecafe), sản lượng cà phê robusta năm nay của nước này có khả năng giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và người trồng chưa muốn bán ra với kỳ vọng giá sẽ tăng thêm.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé), năm 2022 được cho là một năm khó khăn đối với người trồng cà phê tại Brazil, nước sản xuất lớn nhất thế giới, khi hạn hán và sau đó là sương giá đã làm hư hại đến 20% số cây cà phê, có nguy cơ làm giảm sản lượng trong tương lai.