Giá cà phê trong nước hôm nay 13/5 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Giá cà phê hôm nay 13/5
Sau khi đột ngột tăng vọt hiếm thấy, giá cà phê trên sàn giao dịch phái sinh lại nhanh chóng trở về với xu hướng giảm đang áp đảo trước đó.
Ngoài yếu tố tiền tệ, tồn kho đạt chuẩn trên sàn London tăng, thời tiết đang trở thành yếu tố có tác động chi phối tức thời tới giá thị trường, giống như diễn biến phiên hôm qua khi dự báo thời tiết cảnh báo về thông tin sương giá ở Brazil. Ngoài ra, nguyên nhân đã làm giá cà phê kỳ hạn sụt giảm phải kể đến áp lực từ vụ mùa năm nay đang thu hoạch ở các vùng Conilon robusta và tiếp theo sau sẽ là vùng arabica.
Trong khi đó cuộc xung đột tại Đông Âu kéo dài, lạm phát vượt mức, kinh tế toàn cầu suy thoái cùng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành, chính sách phong tỏa của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang trì trệ càng thêm nghiêm trọng, làm các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao không chỉ trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 7/2022 quay đầu giảm 20 USD (0,96%), giao dịch tại 2.058 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 19 USD (0,91%) giao dịch tại 2.061 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 4,75 Cent (2,16), giao dịch tại 215,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 215,15 Cent/lb (2,12%), giao dịch tại 219,80 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 13/5 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đà tăng của USDX bị chững lại khi có báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 1,2% trong tháng 3.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm khi thị trường đón nhận thông tin tích cực từ Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh sẽ sớm nới lỏng việc phong tỏa Thượng Hải do dịch bệnh đã có phần dịu bớt. Dòng vốn đầu cơ tháo chạy khiến các sàn tiền kỹ thuật số lao dốc…
Dự kiến Fed sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát vượt mức là điều cần thiết. Nhưng chỉ tới khi dòng vốn đầu cơ ồ ạt chảy về đã nâng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lên mức cao ngất ngưởng, do lo ngại việc tích cực “thu hồi tài sản” sẽ gia tăng rủi ro, sẽ làm Fed chùng tay. Điều này khiến thị trường dấy lên khả năng điều chỉnh lãi suất với tốc độ chậm hơn và ít gay gắt hơn.
Theo các chuyên gia việc duy trì chính sách Zero Covid' của Trung Quốc đang tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian hàng hóa phải nằm lại trên tàu lâu hơn khiến chi phí tăng cao, cùng với tình hình chiến sự tại Đông Âu khiến sức mua của các nước nhập khẩu kém đi. Mùa Hè vốn là thời điểm tiêu thụ cà phê ít nhất trong năm, vì nhiều nguyên nhân, dự đoán thị trường thêm ảm đạm, không mấy khởi sắc trong quý 2/2022.
Đà tăng cho thị trường cà phê hiện tại chỉ trông đợi từ thông tin thời tiết tại Brazil. Hiện nhiều dự đoán cho thấy thời tiết ở những vùng cà phê trọng điểm của nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu này sẽ chịu ảnh hưởng của giá rét.