Giá cà phê trong nước hôm nay 13/8 giảm nhẹ 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm. (Nguồn: Dritan-alsela.com) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 13/8
Hai sàn cà phê kỳ hạn tăng giảm trái chiều, tuy nhiên giá cà phê robusta kỳ hạn tại London có dấu hiệu chững lại khi Hải Quan Việt Nam báo cáo dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 7. Theo báo cáo, xuất khẩu cà phê từ nhà sản xuất robusta hàng đầu trong tháng này đạt 122.293 tấn (khoảng 2,04 triệu bao), tăng 4,49% so với tháng trước và tăng 11.15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 965.883 tấn (khoảng 16,10 triệu bao), giảm 8,06% so với xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2020.
Sàn New York tăng mạnh hơn London nguyên nhân một phần nhờ ảnh hưởng tích cực của gói ngân sách 1.000 tỷ USD xây dựng và phát triển hạ tầng của Mỹ vừa được Thượng viện nước này thông qua.
Ghi nhận của TG&VN vào lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 giảm 10 USD (0,54%), giao dịch tại 1.849 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 10 USD (0,54%), xuống 1.854 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trái lại, cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 2,65 Cent (1,44%), giao dịch tại 186,5 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 2,60 Cent (1,39%), xuống 189,6 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 13/8 giảm nhẹ 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm.
|
Đồng Real giảm tiếp tục thể hiện sự bất ổn chính trị và vấn đề ngân sách của chính phủ Brazil hiện nay, trong khi chỉ số USD vẫn tăng trưởng ổn định qua việc theo dõi lạm phát Mỹ chặt chẽ của Fed.
Tổng hợp nguồn cung, tính chung trong 8 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ niên vụ 2019 - 2020 lên 87,3 triệu bao.
Brazil vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong 8 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, đạt 31,3 triệu bao, tăng 16,6% so với cùng kỳ niên vụ 2019 - 2020.
Tuy nhiên, Comexim - doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Brazil ước tính thiệt hại tiềm năng vụ mùa 2022 do sương giá gây ở miền Nam Minas Gerais có thể lên tới hơn 19%, thay vì chỉ 12,5% theo ước tính ban đầu. Vấn đề này sẽ còn nhiều ý kiến tranh cãi của giới thương mại cà phê quốc tế không chỉ trong ngắn hạn.
Đứng thứ hai là Việt Nam với khối lượng xuất khẩu 16,9 triệu bao, giảm 12,7% so với cùng kỳ niên vụ trước và chiếm 13,3% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Colombia đứng thứ 3 với 8,6 triệu bao, tăng 2,1% so với 8 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020. Trong thời gian vừa qua, tình hình bất ổn chính trị tại Colombia đã cản trở các hoạt động xuất khẩu cà phê, khiến lượng hàng giảm so với bình thường.
Nam Mỹ, khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, là khu vực duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, với mức tăng 12,3% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 42,11 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê giảm ở hầu hết khu vực khác với châu Phi giảm 3,2% xuống 8,68 triệu bao, khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 6% xuống 26,06 triệu bao. Tương tự, xuất khẩu cà phê từ Mexico và Trung Mỹ giảm 6,5% xuống 10,43 triệu bao so với 11,16 triệu bao của cùng kỳ trong niên vụ cà phê 2019 - 2020.