Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao đa phương Việt Nam: Từ ASEAN nhìn ra toàn cầu

"Khi các nước đến với Việt Nam, họ nhìn vào vị thế, sức mạnh của bản thân Việt Nam cũng như vị thế, sức mạnh của Việt Nam trong ASEAN", Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết.
ngoai giao da phuong viet nam tu asean nhin ra toan cau
 

Thứ trưởng nhận định như thế nào về kết quả hoạt động ngoại giao đa phương Việt Nam trong ASEAN thời gian qua?

Thời gian qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu để xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Chúng ta đã tham gia xây dựng các kế hoạch chuẩn bị cho việc hình thành cộng đồng trên ba trụ cột cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết, và là một trong các nước đi đầu thực hiện cam kết liên quan đến việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Thứ hai, ta đã có những đóng góp và đề xuất cụ thể để xây dựng định hướng cho ASEAN tới năm 2025  đồng thời nêu ra một số vấn đề cần quan tâm thực hiện như tăng cường kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực…

Thứ ba, ta đã đóng góp vào việc tăng cường đoàn kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả của ASEAN qua những đề xuất cải tiến các hoạt động của tổ chức này. Qua diễn đàn ASEAN, ta cũng đã thể hiện được lập trường của mình về các vấn đề khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy ASEAN và các đối tác thống nhất quan điểm và thúc đẩy cơ chế ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việt Nam luôn mong muốn đóng góp vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có khoảng cách phát triển giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar (CLMV) với các nước Đông Nam Á khác. Chúng ta luôn nỗ lực thúc đẩy sự quan tâm, đề cao ý nghĩa của vấn đề này, không những chỉ trong các phát biểu mà trong cả việc đưa vào những nội dung thực hiện quan trọng của ASEAN. Đồng thời trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển với ba nước trong nhóm CLMV. Trên thực tế, Việt Nam có các hoạt động tăng cường hợp tác với các nước này như kết nối giao thông, tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư...

Trong quá trình tăng cường hội nhập, tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, chúng ta có những thuận lợi và khó khăn nào, thưa Thứ trưởng?

Về thuận lợi: Thứ nhất, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta quan tâm đến việc nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách hội nhập khu vực; đường lối, chính sách của ta phù hợp với lợi ích chung của ASEAN như chủ trương thực hiện các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên hợp quốc, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển… Thứ hai, các nước ASEAN luôn có nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết, và hiện có xu hướng chung là hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Hiệp hội đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý tương đối tốt cho hợp tác, bộ máy cũng ngày càng hoàn thiện. Thứ ba, ASEAN được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Các nước đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và muốn hợp tác với ASEAN.

Thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít. Thứ nhất là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong khi nguồn lực cho hoạt động chung của ASEAN còn hạn chế; phải thúc đẩy thực hiện các cam kết, các chương trình hành động của ASEAN và giải quyết những thách thức lớn trong khu vực. Thứ hai, nền kinh tế thế giới vẫn còn bấp bênh, các nước ASEAN vẫn đang trong quá trình phải thay đổi cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng với nhiều khó khăn. Thứ ba,  các nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn… đặt ra thách thức làm sao tăng cường hợp tác, đoàn kết ASEAN... Bên cạnh đó, hiện nhận thức về ASEAN trong công chúng vẫn còn thấp, đội ngũ cán bộ tham gia hợp tác ASEAN của chúng ta còn mỏng, nguồn lực của chúng ta cũng hạn chế…

Những hoạt động tích cực của Việt Nam tại ASEAN đã góp phần nâng cao vị thế của chúng ta trên toàn cầu. Ý kiến của Thứ trưởng về nhận định này?

Rõ ràng là khi các nước đến với Việt Nam, họ nhìn vào vị thế, sức mạnh của bản thân Việt Nam cũng như vị thế, sức mạnh của Việt Nam trong ASEAN. Cho nên nếu ASEAN mạnh, vai trò vị thế của ASEAN tăng cũng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam. Thứ hai, việc Việt Nam đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả trong các hoạt động của ASEAN góp phần làm cho ASEAN mạnh lên và qua đó, cộng đồng quốc tế thấy được đóng góp của Việt Nam vào những mục tiêu chung của khu vực và quốc tế, thấy được năng lực của Việt Nam. 

Từ những thành công của Việt Nam trong ASEAN, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì cho các hoạt động ngoại giao đa phương trên phạm vi toàn cầu, thưa Thứ trưởng?

Đầu tiên là chúng ta phải có đường lối, chủ trương phù hợp, quan trọng hơn là có được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, của Đảng và Nhà nước. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến chuyển nhanh đòi hỏi chúng ta phải có phản ứng về quyết sách, chính sách, quan điểm một cách kịp thời.

Thứ hai, phải làm thế nào để vừa quan tâm thúc đẩy lợi ích của ta nhưng đồng thời hết sức quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Những đóng góp của ta bên cạnh việc nâng cao vị thế cũng sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề sát sườn.

Thứ ba, cần tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động tại ASEAN, từ nghiên cứu vấn đề, tham mưu, đề xuất cho đến triển khai thực hiện; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, phải làm sao thông tin đầy đủ hơn về tầm quan trọng của các thể chế đa phương và những nghĩa vụ của chúng ta khi tham gia những thể chế đó; về cả những thuận lợi và thách thức của việc tham gia các thể chế này để tất cả các bộ ngành, các doanh nghiệp, tổ chức và cả người dân đều hiểu được; để từ đó rút ra được kinh nghiệm hoạt động đa phương trên toàn cầu nói chung, phát huy được hiệu quả hội nhập, nâng cao vị thế của đất nước.

Các nước ASEAN có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên Biển Đông. Là một nước nằm trên bờ Biển Đông, chủ trương của Việt Nam là ủng hộ và mong muốn các nước ASEAN có lập trường chung về việc giữ gìn hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông, đồng thời thúc đẩy xu hướng giải quyết hòa bình, tranh chấp, ngăn ngừa xung đột và lên tiếng về bất cứ tuyên bố, chính sách nào đi ngược với lợi ích chung, xa rời vấn đề này. Việt Nam cũng mong muốn có những biện pháp cụ thể ngoài những tuyên bố hợp tác - về nghiên cứu hải dương, về đánh cá, về cứu trợ cứu nạn, về chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia…, là những cơ chế ngăn ngừa xung đột - như lập đường dây nóng, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới COC. Chúng ta cũng mong muốn tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác bên ngoài, thúc đẩy nhận thức chung về lợi ích, nhu cầu hợp tác, và tránh những hành động làm căng thẳng tình hình, xói mòn lòng tin.

Chung Ngân