Giá cà phê trong nước hôm nay 15/6 giảm 300 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trọng điểm. (Nguồn: Brandsvietnam) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 15/6
Kết thúc tuần giao dịch thứ hai của tháng 6, thị trường cà phê vốn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng “Sell in May” thì thời gian gần đây đã có tín hiệu điều chỉnh giảm. Sắc đỏ duy trì khá nhiều lần trên sàn cà phê arabica.
Tính chung trong cả tuần trước, giá cà phê robusta có 3 phiên tăng và 2phiên giảm, riêng kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm tất cả 20 USD (giảm 1,24%). Trong khi đó, giá cà phê arabica có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính riêng kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm tất cả 4,20 Cent (giảm 2,6%).
Ghi nhận của TG&VN vào lúc 0h25 ngày 15/6 (giờ Việt Nam), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London quay đầu giảm mạnh. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7, giảm 23 USD (1,44%) xuống 1.569 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 23 USD (1,42%), xuống còn 1.596 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York vẫn tiếp tục đỏ sàn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,85 Cent (1,81%), xuống 154,6 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 1,2 Cent (1,79%), xuống 156,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng mạnh.
Phân tích thị trường
Giá cà phê trong nước hôm nay 15/6 giảm 300 - 400 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trọng điểm.
|
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê arabica cho thấy bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng thêm 19,05% trong tuần thương mại tính đến thứ Ba ngày 1/6 lên đăng ký mua ròng ở 42.156 lô, tương đương với 11.951.039 bao. Vị thế mua ròng này rất có thể đã giảm nhẹ trở lại sau giai đoạn thương mại hỗn hợp nhưng có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê robusta cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế mua ròng thêm 17,57% so với một tuần trước đó, lên đăng ký mua ròng ở 34.776 lô, tương đương với 5.796.000 bao. Vị thế mua ròng này rất có thể đã giảm nhẹ trở lại sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Tình hình biểu tình căng thắng ở Colombia không còn là yếu tố hỗ trợ quá tốt cho đà tăng của giá. Thêm vào đó, số liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 5 ở Brazil, Colombia, Việt Nam và Indonesia đều giảm, phản ảnh nguồn cung eo hẹp chỉ có tác dụng hạn chế mức giảm của giá vì giới chuyên môn đã dự đoán được trước tình hình này từ lâu.
Theo các chuyên gia phân tích của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong tuần này, thị trường cà phê vẫn đang có các thông tin hỗ trợ giá tăng, nhưng các thông tin có tác động trong dài hạn hơn so với ngắn hạn. Bên cạnh các yếu tố về cung cầu, các nhà đầu tư nên lưu ý sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường. Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại và gói kích thích 6.000 tỷ của Tổng thống Mỹ Joe Biden được Quốc hội thông qua, thị trường cà phê sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn dồi dào và sự suy yếu của đồng USD.
Khi giới đầu tư đều thận trọng quan sát các tín hiệu từ Fed, thị trường cà phê sẽ không có các biến động quá mạnh, giá được dự đoán sẽ test lại các mốc hỗ trợ và kháng cự.
Đối với cà phê arabica, lăng kính kỹ thuật cho thấy, giá vẫn đang nằm trong xu hướng đi lên nhưng hiện tại đang tích luỹ đi ngang trong biên độ 155 — 163 Cents/pound. Phe mua cần đưa giá đóng cửa trên mức kháng cự tâm lý 160 Cent để đà tăng của cà phê arabica được củng cố.
Trong thời gian vừa qua, giá cà phê robusta có tín hiệu điều chỉnh rõ ràng về 1.570 USD/tấn. Hiện mức 1.600 USD là mức quan trọng. Đã tăng có thể hồi phục khi giá đóng cửa trên mức này. Trong trường hợp phe mua thất bại, giá có thể rơi về vùng 1.550 USD/tấn.