Giá cà phê arabica tiếp tục sụt giảm khi dự báo thời tiết Brazil sẽ có nhiều mưa hơn trong tuần này. (Nguồn: Primecoffea) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 15/9
Giá cà phê arabica tiếp tục sụt giảm khi dự báo thời tiết Brazil sẽ có nhiều mưa hơn trong tuần này, tuy nền nhiệt vẫn còn ở mức cao. Giá cà phê robusta nỗ lực hồi phục nhưng chưa đủ mạnh để thoát khỏi lực kéo từ New York, do phần lớn nhà đầu tư vẫn còn thận trọng đứng bên ngoài, cho dù cấu trúc giá nghịch đảo được nới rộng trở lại để gia tăng sức hút.
Ghi nhận của TG&VN trước phiên đóng cửa giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tăng nhẹ 6 USD (0,29%), giao dịch tại 2.063 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng nhẹ 5 USD (0,24%), lên 2.067 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 1,35 Cent (0,72%), giao dịch tại 185,45 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 1,35 Cent (0,71%), xuống 188,2 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh ở kỳ hạn tháng 12.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 15/9 tăng 100 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đồng Real tăng đưa tỷ giá lên 1 USD = 5,2230 Real do thị trường trong nước giảm bớt căng thẳng của tuần trước về những tuyên bố của tổng thống Brazil và kỳ vọng vào phiên họp chính sách sắp tới của Copom.
Trong khi các sàn chứng khoán Mỹ tiếp tục diễn biến tiêu cực không ngoài mối lo về cuộc họp Fed sắp tới và sự bùng phát của Covid-19 biến chủng mới ngăn cản sự hồi phục của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đã có nhiều hãng tàu biển cam kết sẽ giữ giá cước ổn định. Nhưng giá vẫn tăng cao là do chi phí hậu cần cao hơn, hoạt động tại nhiều cảng biển bị trì trệ vì thiếu nhân lực do các biện pháp giãn cách xã hội, các đại lý môi giới vận tải cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khiến thị trường cà phê bị gián đoạn và trì trệ.
Giá cước phí tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ cản trở rất lớn cho kế hoạch xuất khẩu cà phê cuối vụ 2020-2021 và cà phê vụ mới 2021 - 2022 bắt đầu từ 1/10 tới.
Đầu tháng 9, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tiếp tục tăng theo giá thế giới so với cuối tháng 8. Ngày 8/9, giá cà phê robusta trong nước tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày 28/8, lên mức 39.400 - 44.300 đồng/ kg, mức cao nhất trong 4 năm gần đây.
Trong tháng 8, giá cà phê xuất khẩu ghi nhận mức cao nhất trong vài năm trở lại đây. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.971 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 7/2021 và tăng 7,1% so với tháng 8/2020. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.071 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở thị trường thế giới, đầu tháng 9, giá cà phê robusta và arabica tăng do nguồn cung hạn chế. Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan do số ca lây nhiễm Covid-19 biến chủng mới khiến đà phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU chững lại. Giá tăng cũng có nguyên nhân một phần do giá cước phí vận tải biển cao.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Thời tiết của Brazil tuần tới có khả năng sẽ có lượng mưa dồi dào khởi đầu mưa mùa Xuân.