Giá cà phê trong nước hôm nay 16/3, giảm mạnh 500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Dailycoffeenews) |
Giá cà phê hôm nay 16/3
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục có những diễn biến khó xác định xu hướng khi xung đột Nga-Ukraine vẫn nóng, cho dù hai bên đã có những động thái giảm nhiệt. Hầu hết các sàn hàng hóa đều sụt giảm không chỉ do lo ngại rủi ro từ cuộc chiến tại Đông Âu mà vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh covid-19 tại quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới khiến đầu cơ mua ròng mạnh tay thanh lý vị thế đang nắm giữ.
Quỹ đầu tư trên các sàn hàng hóa hoảng loạn trong giai đoạn bất ổn, mua khống nhiều nay xả hàng vì lượng dư mua khá lớn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cà phê trên hai sàn. Ngoài ra, giá cà phê arabica chịu ảnh hưởng từ Báo cáo tồn kho tại New York đã vượt ngưỡng tâm lý, kết hợp với nguồn cung vẫn ổn định từ các nước sản xuất khu vực Mỹ Latinh là nguyên nhân chính kéo giảm tại sàn này.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 15/3), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London đồng loạt giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 40 USD (1,89%), giao dịch tại 2.075 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 34 USD (1,63%) giao dịch tại 2.047 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn rất thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tiếp tục giảm 7,85 Cent (3,59%), giao dịch tại 210,95 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 7,8 Cent (3,57%), giao dịch tại 210,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/3, giảm mạnh 500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Trong tháng 2, một số nguồn cung cà phê lớn của thế giới đồng loạt báo tin thiếu hụt nguồn cung so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) tại Brazil đã báo cáo xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 2 đạt 3,15 triệu bao, giảm 14,30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê arabica natural giảm 10,15 % và xuất khẩu cà phê conilon robusta giảm mạnh tới 58,62% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê robusta của quần đảo này trong tháng 2 chỉ đạt 150.458 bao, giảm tới 54,18% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê robusta của Indonesia trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 chỉ đạt tổng cộng 1.314.415 bao, giảm 30,67% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tuy nhiên, tình hình có khác với nhà cung cấp Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê ra thị trường nước ngoài tháng 2/2022 cũng giảm 14,7% về lượng, giảm 13,3% về kim ngạch so với tháng 1/2022, tuy nhiên giá tăng nhẹ 1,6%, đạt 139.371 tấn, tương đương 321,32 triệu USD, giá trung bình 2.305,5 USD/tấn. Dù vậy, so với tháng 2/2021 thì tăng 13,5% về lượng, tăng 48,8% kim ngạch và tăng 31% về giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 370.874 tấn, thu về trên 823,11 triệu USD, giá trung bình đạt 2.219,4 USD/tấn; tăng mạnh 30,9% về khối lượng, tăng 65,8% về kim ngạch và tăng 26,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tháng 2/2022, giá cà phê thế giới biến động tăng. Cụ thể, giá cà phê robusta giao tháng 3/2022 tại thị trường London tăng 174 USD/tấn lên mức 2.349 USD/tấn. Giá cà phê tăng do tồn kho cà phê thế giới tiếp tục sụt giảm. Thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021/2022 tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước. Đánh giá thị trường cà phê trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italy.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tiêu thụ cà phê toàn cầu vụ 2021/2022 sẽ tăng khoảng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại thị trường EU,Mỹ và Brazil. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi hậu đại dịch Covid-19 giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê robusta của Việt Nam - nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.