Giá cà phê trong nước hôm nay 16/9 tăng tiếp 200 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm. (Nguồn: Freepik) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 16/9
Giá cà phê arabica tiếp tục sụt giảm khi báo cáo thời tiết ở vành đai cà phê Brazil có nhiều mưa hơn, cho dù lượng mưa chưa đủ lớn khi độ ẩm mặt đất vẫn còn dưới ngưỡng cần thiết tối thiểu và dự báo nền nhiệt vẫn còn cao.
Trái lại, giá cà phê robusta tiếp nối xu hướng tăng, tiếp tục củng cố, trong sự dao động ngập ngừng thận trọng, với áp lực từ New York. Do vậy, khối lượng giao dịch rất thấp, nhất là áp lực từ sàn New York cũng không hề nhỏ. Trong khi mức giá cách biệt hiện hành đang khuyến khích nhà đầu tư “bán London mua New York, hay ngược lại” để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Bảng giá cà phê giao dịch trên cả hai sàn đều tràn ngập màu xanh. Ghi nhận của TG&VN trước phiên đóng cửa giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London bật tăng mạnh sau những phiên điều chỉnh nhẹ. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11/2021 tăng mạnh 19 USD (0,92%), giao dịch tại 2.082 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 21 USD (1,03%), lên 2.068 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York đảo chiều tăng. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 1,90 Cent (1,02%), giao dịch tại 187,35 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 1,95 Cent (1,04%), lên 190,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh ở kỳ hạn tháng 12.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/9 tăng tiếp 200 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đồng Real quay đầu giảm đưa tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,2580 Real, do chứng khoán Brazil sụt giảm trước khả năng Copom sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng Real lên thêm tại phiên họp chính sách tiền tệ sắp tới.
Trong khi dữ liệu kinh tế Mỹ có sự tiến bộ khả quan, nhất là chỉ số CPI, chỉ số tiêu dùng và lo ngại lạm phát đã giúp Chỉ số USD mạnh trở lại.
Giá cà phê tăng do nguồn cung hạn chế. Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan do số ca lây nhiễm Covid-19 biến chủng mới khiến đà phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU chững lại. Giá tăng cũng có nguyên nhân một phần do giá cước phí vận tải biển cao.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, song tốc độ tăng sẽ chậm lại.
Báo cáo của ICO cũng cho thấy, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2021 đạt 10,7 triệu bao, tăng 1,7% so với 10,5 triệu bao của tháng 7/2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 4,4% so với 11,9 triệu bao của tháng 7/2019, thời điểm trước đại dịch.
Xuất khẩu cà phê xanh trong tháng 7/2021 tăng 3,3% so với tháng trước lên 9,7 triệu bao nhờ vào mức tăng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Colombia, arabica khác và robusta bù đắp cho sự suy giảm của cà phê tự nhiên Brazil.
Cà phê nhân xanh chiếm 91,2% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2021, tăng so với tỷ trọng 89,8% của tháng 7/2020.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê rang xay cũng tăng khá mạnh 18,3% so với tháng trước lên 64.000 bao trong tháng 7. Ngược lại, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 870.000 bao.
Tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 108,96 triệu bao, tăng 2,2% so với 106,63 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2019-2020.
Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 tăng 6,1% lên 69,7 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê robusta giảm 4,2% xuống 39,3 triệu bao.
Xét theo khu vực, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 11,5 triệu bao, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong khu vực này, xuất khẩu tăng ở Uganda (20,5%), Tanzania (22,7%) và Kenya (11,6%) và giảm 15,9% và 48,1% ở Ethiopia và Bờ Biển Ngà.
Từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương đạt 32,4 triệu bao, giảm 5,2% so với cùng kỳ niên vụ trước. Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 9,8%, trong khi Ấn Độ và Indonesia tăng 4,5% và 4,9%. Các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 gần đây dự kiến sẽ khiến sản xuất và xuất khẩu của của Việt Nam chậm lại.
Xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Mexico trong 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2020-2021 tăng 1,4% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 14,6 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu giảm 7,8% tại Nicaragua nhưng tăng lần lượt 7,5%, 5,3% và 2,5% ở Mexico, Guatemala và Costa Rica. Ngoài ra, Honduras cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,7%.
Còn tại khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê của khu vực này tăng 8,3% từ 46,6 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước lên 50,5 triệu bao trong 10 tháng đầu niên vụ 2020-2021. Trong khu vực này, xuất khẩu của Brazil tăng 12,1% lên 37,2 triệu bao, trong khi Colombia ghi nhận mức giảm 0,4%.