Giá cà phê trong nước hôm nay 1/7 giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Giá cà phê hôm nay 1/7
Sau đà hồi phục mạnh mẽ của ngày hôm trước, giá cà phê kỳ hạn trở lại với thị trường hỗn hợp, tăng của cà phê arabica, giảm đối với thị trường robusta. Giao dịch đang ở mức thận trọng do giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa.
Áp lực từ nguồn cung dồi dào từ nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới vẫn còn nguyên. Brazil hiện đang thu hoạch vụ arabica được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, dù thu hoạch vụ mùa mới có chậm lại vì thời tiết không thuận lợi cho việc phơi sấy.
Giá cà phê chốt phiên giao tháng 6 tăng giảm trái chiều trên 2 sàn phái sinh, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London quay đầu giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 16 USD (0,78%), giao dịch tại 2.033 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 13 USD (0,64%) giao dịch tại 2.031 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 1,85 Cent (0,81%), giao dịch tại 230,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 1,70 Cent/lb (0,75%), giao dịch tại 227,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 1/7 giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Tại hội nghị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng các NHTW đồng loạt thắt chặt các chính sách tiền tệ, sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới nhưng còn hơn để lạm phát gia tăng, vì không còn cách nào khác. Điều này khiến thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục biến động mạnh vì lo ngại rủi ro tăng cao trước áp lực sẽ tăng lãi suất cơ bản sắp tới.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ chịu áp lực trước những nút thắt về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, việc giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine sẽ càng làm cho tiêu thụ cà phê thêm khó khăn.
Theo NCIF, cảng Thượng Hải đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng không thể một sớm một chiều giải quyết được lượng hàng hóa dồn ứ. Giá cước từ cảng lên hàng tại Trung Quốc hiện cao gấp 20 lần cước từ Mỹ để đưa hàng sang châu Á. Chính vì vậy, đường đi của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực ít ra trong vài tháng nữa, nếu như dịch Covid-19 hoàn toàn lắng dịu.
Dù không ít nhà kinh doanh cà phê Việt Nam đã chọn hướng thuê tàu rời để đưa hàng sang các nước nhập khẩu, nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn, có mạng lưới hoạt động rộng khắp mới có khả năng thuê tàu cho riêng mình. Doanh nghiệp cà phê Việt Nam, thường chỉ cỡ trung và nhỏ, bán qua trung gian là chủ yếu, nên chưa thể chủ động bán hàng như trước đại dịch. Sức bán vì vậy mà hạn chế. Lượng tồn kho sau 5 tháng đầu niên vụ đã giảm dần.
Hiện tượng tranh mua tranh bán giảm sẽ khiến cho giá bán xuất khẩu không rẻ như trước. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng khá hạn chế.