Giá cà phê hôm nay 17/11/2024
Giá cà phê thế giới điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần này, sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp.
Giá cà phê trong nước giảm nhẹ phiên cuối tuần qua, hiện còn giao dịch trong khoảng 112.800 - 113.400 đồng/kg. Mùa thu hoạch cà phê của Việt Nam diễn ra từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, thời điểm mà nhiều nước không thu hoạch hoặc chỉ thu rất ít cà phê.
Trên thị trường thế giới, sau 4 ngày tăng liên tiếp với hơn 400 USD/tấn, robusta chững lại 1 nhịp để thị trường điều chỉnh. Trong khi giá arabica tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 13 năm.
Giá arabica tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 13 năm khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng vụ mùa năm tới tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất – Brazil và ngày càng lo ngại về vụ mùa của Việt Nam – quốc gia sản xuất robusta hàng đầu.
Những cơn bão gần đây đã làm chậm tiến độ thu hoạch cà phê của Việt Nam, và mưa vẫn là mối lo ngại khi các thương nhân dự kiến vụ mùa này có thể giảm tới 10%.
Cà phê robusta của Việt Nam đang rất được ưa chuộng nhờ hương vị đặc trưng, được đánh giá cao hơn so với các sản phẩm từ các nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia... Hiện tại, Việt Nam gần như "một mình một chợ" trên thị trường cà phê thế giới vì các nước khác chưa bước vào mùa thu hoạch. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội giữ mức giá tốt.
Giá cà phê trong nước ngày 16/11 giảm 100 - 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: aivivu) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 16/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London điều chỉnh nhẹ trái chiều, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 4 USD, giao dịch tại 4.773 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 4 USD giao dịch tại 4.669 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 2,85 Cent, giao dịch tại 281,80 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 3,9 Cent, giao dịch tại 283,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 16/11 giảm 100 - 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
EU đã đưa ra quyết định chính thức về thời điểm thực thi Quy định chống phá rừng của EU - EUDR. Theo đó, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ra phán quyết cuối cùng, ủng hộ việc trì hoãn và sửa đổi áp dụng EUDR để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị cho việc tuân thủ EUDR. Theo đó, EP đã đồng ý hoãn thực thi 12 tháng.
Liên minh châu Âu là thị trường cà phê lớn, chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước thuộc EU.
EU cũng đang là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Quy mô tiêu thụ cà phê của thị trường này trong năm 2024 dự kiến lên tới gần 48 tỷ USD và sẽ tăng lên trên 58 tỷ USD vào năm 2029.
Nhưng trong khi không ít người muốn trì hoãn quy định thêm 12 tháng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết, một số nhà nhập khẩu châu Âu đã đầu tư nguồn lực và chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện EUDR, họ cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tích cực thực hiện quy định này.
Hiện nay, một số hợp đồng thương mại cà phê giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác châu Âu đã có kèm theo các chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ không liên quan tới tình trạng phá rừng.
Luật chống phá rừng của EU đòi hỏi những mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chủ chốt (cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, gia súc, cao su và gỗ) không được sản xuất trên đất rừng bị phá đã được hoãn áp dụng thêm một năm.
Như vậy, các nước có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai. Tại các tỉnh Tây Nguyên, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cà phê đã và đang có những bước đi để đáp ứng mọi quy định khắt khe, đặc biệt là vấn đề sản xuất có trách nhiệm với môi trường.
Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chính vì vậy, đạo luật EUDR có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nơi, nông dân có kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học làm suy thoái hệ sinh thái và xâm canh cà phê trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra. Do vậy, quy định khắt khe của EU vừa là thách thức và cũng là cơ hội để chúng ta càng nỗ lực hơn trong việc minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ, mà mấu chốt đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho người nông dân từ khâu sản xuất.