Giá cà phê robusta tại London ghi nhận mức sụt giảm 1.345 USD/tấn, trong khi cà phê arabica tại New York có giao dịch lên mốc 133,3 US Cent/pound. |
Cập nhật giá cà phê
Giá cà phê quay đầu tăng giảm trái chiều trên thị trường quốc tế. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2021 chỉ đạt ngưỡng 1.345 USD/tấn sau khi giảm 0,22% (tương đương 3 USD).
Tại New York, giá cà phê arabica tháng 12/2020 giao dịch cán mốc 133,3 US Cent/pound, tăng nhẹ 0,91% (tương đương 1,20 US Cent) so với phiên giao dịch trước đó.
Nghiên cứu của Mintel cho thấy, sản lượng cà phê được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc vào năm 2019 có giá trị giao dịch đạt khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ . Điều này chứng tỏ khả năng tiêu thụ của quốc gia này rất lớn, theo CGTN.
Các chuỗi cà phê quốc tế bị thu hút bởi tiềm năng phát triển của mặt hàng cà phê Trung Quốc và đang có xu hướng tăng tốc đầu tư vào quốc gia này. Milan Gold - gã khổng lồ trong chuỗi cung ứng cà phê, chính thức tham gia vào cuộc chiến giành thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này. Sự phổ biến của cà phê tại quốc gia đông dân nhất thế giới có thể bắt nguồn từ việc các nhà hàng và khách sạn quốc tế xâm nhập vào nước này và dần đưa thứ đồ uống phương Tây tới gần hơn với người tiêu dùng.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê hôm nay (17/12) đồng loạt điều chỉnh tăng 100 đồng/kg tại hầu hết địa phương. Theo đó, tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum thu mua lên khoảng từ 32.600 - 33.200 đồng/kg. Riêng TP. Hồ Chí Minh không ghi nhận biến động mới trong hôm nay, duy trì giao dịch tại ngưỡng 34.500 đồng/kg.
Cập nhật giá hồ tiêu
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay 17/12 dao động trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm phiên thứ 2 liên tiếp, xuống thêm 56,8 Rupee/tạ (0,16%) còn 35.227,8 Rupee/tạ.
Trong tháng 11/2020, giá tiêu đen của Việt Nam và Indonessia có mức tăng trung bình hơn 5%, trong khi tiêu trắng của Malaysia tăng mạnh tới hơn 7%, theo dữ liệu của Cộng đồng Hồ Tiêu Quốc Tế (IPC).
Tổng sản lượng tiêu 2020 của Malaysia ước tính sụt giảm so với năm ngoái nhưng nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu, nhất là tiêu Sarawak, vẫn đang có triển vọng tích cực nhờ vào hương thơm và chất lượng đặc trưng.
Để bảo đảm tiêu Malaysia có thể ổn định về nhu cầu và tính cạnh tranh trên thị trường, Hội đồng Hồ tiêu Malaysia (MPB) không ngừng tiếp thị và quảng bá tiêu chất lượng cao cả thị trường trong và ngoài nước. Song song đó, MPB không ngừng tìm kiếm và khai phá các thị trường tiềm năng mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế mà mặt hàng này mang lại, Malay Mail đưa tin.
Trong khi đó, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 giảm 3% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 42,4 nghìn tấn, trị giá 115,5 triệu USD. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ trong 9 tháng năm 2020 đạt 64,7 nghìn tấn, trị giá 183,4 triệu USD, tăng 0,1% về lượng, nhưng giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Mỹ trong 9 tháng năm 2020 đạt mức 2.835 USD/tấn, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Mỹ giảm từ nhiều nguồn cung chính, nhưng tăng từ Ecuador, Nam Phi và Mexico.
9 tháng năm 2020, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số thị trường, như Brazil, Indonesia, nhưng giảm nhập khẩu từ nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Trong 9 tháng năm 2020, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 65,6%, thấp hơn so với 68% trong 9 tháng năm 2019. Nhưng nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ từ Brazil tăng mạnh 54,3% về lượng và tăng 43,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 12 nghìn tấn, trị giá 26,8 triệu USD trong 9 tháng năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 18,7% trong 9 tháng năm 2020, tăng mạnh so với 12,1% trong 9 tháng năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm (trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam chiếm hơn 50%), nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, do giá hạt tiêu toàn cầu đã tăng mạnh thời gian trước, nên nhiều khả năng giá thời gian tới sẽ ổn định.
Cập nhật giá cao su
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kì hạn tháng 12/2020 đạt ngưỡng 262,9 Yen/kg sau khi tăng 3,92% (tương đương 10,3 Yen/kg) so với ngày hôm qua.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 1/2021 ghi nhận mức giảm 14.210 NDT/tấn, giảm 0,53% (tương đương 75 NDT) trong giao dịch ngày trước đó.
Theo The Hindu Business Line, giá cao su tại Ấn Độ đạt mức cao nhất trong 6 năm qua do nhu cầu tiêu thụ trong nhiều lĩnh vực tăng cao. Triển vọng của ngành cao su tự nhiên khá tích cực khi cả giá và nhu cầu dự kiến sẽ tăng vào giai đoạn còn lại của năm 2020.
Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, việc ứng dụng rộng rãi các phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực ô tô, khiến nhu cầu cao su phục vụ cho sản xuất lốp xe tăng đột biến. Bên cạnh đó, quyết định hạn chế nhập khẩu lốp xe của các quốc gia bên ngoài cũng giúp Ấn Độ ổn định nhu cầu tiêu thụ nội địa trong thời gian qua.