Giá cà phê trong nước hôm nay 17/7 tăng nhẹ 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm. (Nguồn: Epicure) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 17/7
Dự báo thời tiết lạnh ở Brazil có khả năng gây ra sương giá khiến hai sàn cà phê giao dịch thận trọng. Thời tiết một lần nữa lại cho thấy tầm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cà phê. Giá cà phê kỳ hạn bật trở lại khi có thêm dự báo về không khí lạnh đi vào các vùng trồng cà phê arabica ở miền Nam Brazil vào nửa đầu tuần sau và có khả năng gây ra sương giá cục bộ ở mức độ thấp.
Trong khi đó, giá cà phê robusta diễn biến khá thận trọng, khối lượng giao dịch không sôi động, tuy nhiên, tác động rất đáng kể của thị trường New York đã giúp thị trường London trở lại với màu xanh.
Ghi nhận của TG&VN tại giờ kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, tăng nhẹ dù cấu trúc giá đảo vẫn còn giữ khoảng cách nhất định. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 tăng 11 USD (0,63%), giao dịch tại 1.767 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 6 USD (0,34%), lên 1.756 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trong khi đó giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York bật tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 4,3 Cent (2,74%), lên 161,35 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 4,2 Cent (2,63%), lên 161,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 17/7 tăng nhẹ 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm.
|
Trong 7 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi giảm 4,1% xuống 7,37 triệu bao, do các chuyến hàng từ Ethiopia, Côte d’Ivoire và Madagascar giảm lần lượt 25,6%, 46,3% và 55,7%. Riêng Uganda, nhà xuất khẩu lớn nhất khu vực, tăng 16,2% lên 3,4 triệu bao.
So với 7 tháng đầu niên vụ cà phê 2019 - 2020, xuất khẩu từ Mexico và khu vực Trung Mỹ cũng giảm 8,9% xuống 8,27 triệu bao, do các nước trong khu vực vẫn chưa phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của bão Iota và Eta.
Đáng chú ý, các chuyến hàng từ Honduras, nhà xuất khẩu lớn nhất của khu vực giảm 14,2% xuống 2,94 triệu bao. Tương tự, xuất khẩu của Nicaragua giảm 14,3% xuống 1,4 triệu bao, xuất khẩu của Guatemala giảm 9,41% xuống còn 1,59 triệu bao. Tổng xuất khẩu của El Salvador và Panama cũng giảm lần lượt 18,8% và 34,4%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu khu vực Nam Mỹ trong cùng giai đoạn đã tăng mạnh 17,3% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 38,93 triệu bao. Cụ thể, xuất khẩu cà phê từ Brazil đã tăng 21,7% lên 28,72 triệu bao và xuất khẩu từ Colombia tăng 8,6% lên 8,14 triệu bao.
Trong khi đó, Peru ghi nhận xuất khẩu ổn định ở mức 1,8 triệu bao, còn xuất khẩu của Ecuador giảm 4,7% xuống 257.383 bao so với 270.009 bao trong 7 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, trong niên vụ 2020 - 2021 (tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2021), Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 45,6 triệu bao cà phê, tăng 13,3% so với niên vụ 2019-2020. Đây là khối lượng cà phê xuất khẩu kỷ lục của Brazil trong một vụ thu hoạch từ trước tới nay.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của quốc gia Nam Mỹ này trong 12 tháng qua đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 13,4% so với 12 tháng trước đó. Đây là kết quả cao nhất ghi nhận được trong 5 năm trở lại đây. Brazil cũng phá vỡ kỷ lục xuất khẩu cà phê trong nửa đầu năm 2021, với 20,8 triệu bao được bán ra nước ngoài, đạt doanh thu gần 2,8 tỷ USD, tăng 4,5% khối lượng và 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong niên vụ 2020-2021, Brazil đã xuất khẩu cà phê sang 115 quốc gia. Mỹ tiếp tục là khách hàng chính của cà phê Brazil với việc mua vào hơn 8,3 triệu bao, chiếm 18,3% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 5,8% về khối lượng so với vụ thu hoạch trước đó. Xếp sau Mỹ là Đức (7,9 triệu bao), Bỉ (3,8 triệu bao), Italy (2,7 triệu bao) và Nhật Bản (2,6 triệu bao).