Giá cà phê trong nước hôm nay 18/11, tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Shutterstock) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/11
Giá cà phê robusta giao dịch trên sàn London đột ngột bật tăng mạnh trở lại sau ba phiên sụt giảm đáng kể và liên tiếp. Arabica thì quay trở lại với xu hướng tăng, sau chỉ một phiên điều chỉnh nhẹ.
Phiên điều chỉnh giảm của cà phê arabica sau nhiều phiên liên tiếp tăng mạnh là điều không quá bất ngờ, trong khi báo cáo tồn kho cuối tháng 10 của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ vẫn ổn định, đảm bảo dự trữ an toàn cho hoạt động rang xay của khu vực Bắc Mỹ. Trái lại, thị trường nội địa Brazil tiếp tục có sự tăng mua nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ cho các thị trường tiêu dùng truyền thống, tuy cũng không dễ dàng mua được của nhà nông khi đồng Real đang có dấu hiệu mạnh lên.
Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 24 USD (1,07%), giao dịch tại 2.261 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 20 USD (1,10%), giao dịch tại 2.213 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 10,5 Cent (4,73%), giao dịch tại 264,8 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 103,5 Cent (4,61%), giao dịch tại 272,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 18/11, tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Lo ngại lạm phát gia tăng vẫn là tâm lý thống trị thị trường, trong khi USDX mạnh lên sau các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ phát triển tích cực. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ và các đồng tiền ảo sụt giảm đã khiến dòng vốn đầu cơ chảy về lại thị trường vàng, trong khi giá đầu thô không khởi sắc như được dự báo.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 45,43 triệu USD, giảm 7,5% so với tháng 9/2020 và giảm 5,1% so với tháng 9/2019.
Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tăng 0,6% so với 9 tháng đầu năm 2020 và tăng 2,7% so với 9 tháng đầu năm 2019, đạt 412,82 triệu USD.
Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương, xét về thị trường xuất khẩu, 9 tháng đầu năm 2021 so với 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Philippines, Nga và Hàn Quốc. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang thị trường Indonesia tăng tới 104,1%, đạt 19,68 triệu USD, trong thời gian này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến hiện cho rằng, giá cà phê robusta dù tăng lên mức cao 10 năm chỉ nhằm bù lỗ phần phần nào cho các nhà xuất khẩu và các chi phí liên quan, còn người trồng cà phê Việt Nam chẳng được lợi lộc gì khi hàng vụ cũ không còn, hàng vụ mới đang thu hoạch, trong khi giá cả vật tư đầu vào, nhất là giá phân bón các loại hiện đã tăng cao quá mức.
Thông tin về thị trường cà phê Trung Quốc, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này tháng 9/2021 đạt 54 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm từ 12,34% xuống 12%.
Dù trà vẫn là thức uống truyền thống của người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê của thị trường khổng lồ này đang tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và lớp người trẻ. Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan trên cả nước.
Dịch Covid-19 không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021), tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này tháng 9/2021 đạt 54 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nguồn cung cấp cà phê cho Trung Quốc khá đa dạng, với khoảng 80 nước cung cấp, trong đó có Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…