📞

Giá cà phê hôm nay 1/9/2024: Giá cà phê robusta nóng 'hừng hực', nhà nhập khẩu châu Âu chạy đua với Quy định EUDR

Gia An 13:52 | 01/09/2024
Nguồn cung cà phê cho châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào hàng triệu nông dân canh tác nhỏ lẻ trên khắp thế giới. Vì vậy, thách thức lớn đặt ra đối với việc đảm bảo mọi hạt cà phê đều tuân thủ EUDR. Vì vậy, các thương nhân đang chạy đua nhập khẩu cà phê vào châu Âu với số lượng nhiều nhất có thể trước khi EUDR có hiệu lực vào ngày 30/12/2024.

Giá cà phê hôm nay 1/9/2024

Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều vào cuối tuần này, robusta tiếp tục tăng, arabica quay đầu giảm.

Giá cà phê trong nước hồi phục chậm, hiện đang giao dịch trong khoảng 121.200 - 122.000 đồng/kg.

Giá cà phê robusta tiếp tục giữ được đà tăng mạnh, nửa tháng qua mặt hàng cà phê này thêm tới 500 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê arabica quay đầu giảm do những thông tin thời tiết ở Brazil và đồng USD hồi phục. Đồng USD tăng cộng với xu thế bán tháo tại các thị trường, trong đó có arabica khiến cà phê New York tiếp đà giảm phiên cuối tuần.

Đồng USD tăng giá sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tăng nhẹ đúng như dự đoán, hỗ trợ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào tháng tới, thay vì 50 điểm cơ bản.

Giới trong ngành lý giải, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê robusta tăng mạnh thời gian qua là do các lô hàng cà phê đang nhanh chóng được vận chuyển đến châu Âu, khi giới thương nhân và những nhà rang xay ở khu vực này chạy đua mua tích trữ trước khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực cuối năm nay.

Cuộc chạy đua nhập khẩu ở châu Âu diễn ra khi thị trường cà phê đang nóng hừng hực. Giá cà phê robusta thường được sử dụng cho các sản phẩm hòa tan, liên tiếp đạt các mức cao kỷ lục mới trong năm nay. Trong khi đó, giá cà phê arabica cũng tăng hơn 30% trong năm nay. Chi phí vay cao, tình trạng thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn cũng làm tăng thêm thách thức đối với thị trường.

Giá cà phê trong nước chốt phiên 31/8 tăng 300 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 30/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng trở lại, kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 47 USD, giao dịch tại 4.948 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 37 USD giao dịch tại 4.729 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 3,55 Cent, giao dịch tại 244,05 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 3,10 Cent, giao dịch tại 242,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước chốt phiên 31/8 tăng 300 - 500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

24.660

- 20

ĐẮK LẮK

121.900

+ 500

LÂM ĐỒNG

121.000

+ 400

GIA LAI

121.900

+ 300

ĐẮK NÔNG

122.100

+ 500

(Nguồn: giacaphe.com)

EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu phải chứng minh những mặt hàng nông nghiệp chủ lực như cà phê, thịt bò, ca cao, gỗ… không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về các chi tiết của EUDR khiến nhiều doanh nghiệp bối rối và chưa sẵn sàng tuân thủ. Vì vậy, một khi EUDR được triển khai, tình trạng nguồn cung cà phê vào châu Âu bị gián đoạn là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, do thời gian vận chuyển đến châu Âu lên tới 70 ngày vì tàu phải vòng qua Nam Phi cũng như cần thêm thời gian để chế biến nên hầu hết cà phê robusta trong vụ sắp tới sẽ phải tuân thủ EUDR.

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê từ Brazil, nước sản xuất hàng đầu thế giới sang EU tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Giám đốc cấp cao của nhà cung cấp cà phê Riccoffee (Anh) Ricardo Dos Santos, các nhà rang xay ở châu Âu đang sốt sắng mua tích trữ cà phê để đề phòng sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong quí đầu tiên của năm 2025, rất ít thương nhân sẵn sàng mạo hiểm vận chuyển cà phê đến châu Âu sau tháng 10.

Một số nước thành viên EU và hiệp hội kinh doanh cà phê đang kêu gọi sửa đổi EUDR. Gần đây, trong thư ngỏ gửi cho Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, một loạt tổ chức gồm Diễn đàn các nhà sản xuất thế giới, Hiệp hội Cà phê ASEAN, Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, Hiệp hội cà phê châu Âu… kêu gọi can thiệp khẩn cấp để giải quyết các mối lo ngại liên quan đến EUDR trước tháng 10/2024.

Một trong những lo ngại đó là hệ thống thông tin của EUDR (để tiếp nhận dữ liệu chứng minh hàng hóa sạch, tức không sản xuất từ đất rừng bị phá) còn nhiều khiếm khuyết. Trong đó, hệ thống có thể không có khả năng quản lý khối lượng dữ liệu lớn, thiếu độ tin cậy trong việc xử lý dữ liệu định vị địa lý.