📞

Giá cà phê hôm nay 19/3/2023: Giá cà phê lao dốc, người Brazil đẩy mạnh xuất khẩu, thách thức đối với cung-cầu

Gia An 06:29 | 19/03/2023
Ở thị trường Việt Nam, trong tháng 2 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.056 tấn, trị giá 435 triệu USD, so với tháng trước tăng 40% về lượng và trị giá. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá.

Giá cà phê hôm nay 19/3/2023

Giá cà phê thế giới chốt phiên cuối tuần bằng phiên đảo chiều rũ bỏ mọi "cố gắng" trong cả tuần qua. Tâm lý lo ngại rủi ro tăng mạnh, các tài sản trú ẩn đảo chiều trở lại. Đáng kể nhất là các thị trường hàng hóa phái sinh với giá vàng tăng vọt, giá dầu thô giảm khá, trong khi giá cà phê lao dốc.

Trong khi đó, số liệu tồn kho tăng mạnh đã trở thành yếu tố có tác động lớn đến giá cả thị trường, khiến giá cà phê arabica sàn New York đảo chiều giảm xuống ở mức thấp 6 tuần và giá cà phê robusta sàn London xuống đứng ở mức thấp nhất trong 1 tháng.

Dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý, tính đến thứ Sáu ngày 17/3 đã tăng thêm 2.190 tấn, tức tăng 2,97% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60 kg), mức cao mới trong tháng 3. Báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê hạt (GCA) ở Mỹ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2 đã tăng thêm 5,9% so với tháng trước, lên ở mức 6,105 triệu bao. Trong khi tỷ giá đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp 2,5 tháng cũng góp phần hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu.

Giá cà phê trong nước quay đầu giảm 800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên cuối tuần (18/3). (Nguồn: Shutterstock)

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (17/3), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 giảm 40 USD (1,9%), giao dịch tại 2.064 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 39 USD (1,86%), giao dịch tại 2.054 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng giảm mạnh. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 3,45 Cent/lb (1,92%), giao dịch tại 176,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 3,3 Cent/lb (1,85%), giao dịch tại 175,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Kể từ tuần sau, các thị trường cà phê kỳ hạn chuyển sang giao dịch theo giờ mùa Hè, sớm hơn 1 giờ so với giờ hiện tại.

Giá cà phê trong nước chốt phiên giao dịch cuối tuần (18/3) đồng loạt giảm mạnh 800 đồng/kg tại các địa điểm thu mua tại Tây Nguyên, mất ngưỡng 47.000 đồng/kg, giá giao dịch dao động trong khoảng 46.000 - 46.400 đồng/kg.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước quay đầu giảm 800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong phiên cuối tuần (18/3).

Giá trung bình

Thay đổi

Tỷ giá USD/VND

23.380

0

ĐẮK LẮK

46.400

- 800

LÂM ĐỒNG

46.000

- 800

GIA LAI

46.300

- 800

ĐẮK NÔNG

46.200

- 800

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Sản lượng niên vụ cà phê Việt Nam năm nay dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

Diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích cà 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.

Theo VICOFA ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung cầu cà phê; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; trách nhiệm giải trình; tiêu dùng nội địa; biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu.

Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang gặp nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê…

(tổng hợp)