Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 tiếp tục đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images) |
Giá cà phê hôm nay 19/4
Tuần qua, giá cà phê robusta có 1 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm liên tiếp, các mức tăng/giảm nhẹ. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 4 USD (0,19%), xuống 2.087 USD/tấn, khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trong khi đó, thị trường New York cũng có 1 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm liên tiếp, các mức giảm rất mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5 vì thế giảm tất cả 8,05 Cent (3,48%), xuống 223,60 Cent/lb, khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Đầu tuần này (ngày 18/4) sàn giao dịch London đóng cửa nghỉ cả ngày, sàn New York mở cửa muộn. Bởi vậy, giá cà phê robusta giữ nguyên từ cuối tuần trước, trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 4 USD (0,19%), giao dịch tại 2.087 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6 USD (0,29%) giao dịch tại 2.099 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng nhẹ, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 0,35 Cent (0,16%), giao dịch tại 223,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,35 Cent/lb (0,16%), giao dịch tại 224,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 tiếp tục đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Giá cà phê kỳ hạn sụt giảm liên tiếp do đầu cơ thanh lý vị thế, chuyển tháng kỳ hạn trước ngày đáo hạn thực hiện hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng Năm trên các thị trường. Ngoài ra, lo ngại lạm phát vượt mức và rủi ro tăng cao khi cuộc chiến ở Đông Âu có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây, trong khi dịch bệnh covid-19 vẫn còn lây lan và các NHTW lớn đang xem xét để thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ tại các phiên họp chính sách sắp tới.
Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021/2022 từ các nước sản xuất vẫn còn nguyên, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu tỏ ra rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý vị thế ròng trên các thị trường kỳ hạn nói chung.
Tuy nhiên, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo, thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 có thể sẽ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 3,1 triệu bao do sản lượng của Brazil thấp. Hiện quốc gia này là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, theo sau là Việt Nam. ICO dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 giảm 2,1% xuống 167,2 triệu bao, trong khi đó, tiêu thụ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao.
Tổng lượng cà phê xanh xuất khẩu trong tháng 2 trên toàn cầu hơn 9,8 triệu bao, giảm từ mức 10,24 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 5 tháng đầu niên vụ (tính từ tháng 10/2021) đạt khoảng 47,2 triệu bao, giảm 3% so với cùng thời điểm của niên vụ 2020 - 2021.
ICO cảnh báo cán cân cung - cầu có thể phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống, nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi chi phí trồng, chế biến, vận chuyển cà phê đều tăng do căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Bên cạnh đó, Brazil tiếp tục đối mặt với những vấn đề về thiếu container mặc dù tình hình này đã cải thiện trong những tuần gần đây.
Hiện tại, theo số liệu của ICO, xuất khẩu của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đạt 11,6 triệu bao, tăng mạnh 19,1%. Mức tăng này một phần là bởi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp do các vấn đề về logistics, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng 16,5% lên 3,6 triệu bao. Mức tăng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp cà phê hòa tan. Indonesia đã xuất khẩu 1,1 triệu bao cà phê hòa tan trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.