Giá cà phê trong nước hôm nay 20/7 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm. (Nguồn: Brandsvietnam) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 20/7
Trong ngành cà phê, hai tháng 7 và 8 thường là thời gian các nhà kinh doanh và rang xay nghỉ Hè nên mua bán thường chậm, giá cả không có nhiều biến động. Nhưng năm nay giá cà phê trên cả hai thị trường phái sinh đều cho thấy nhiều biến động bất ngờ, nhanh thay đổi, tuy nhiên giao dịch mua bán vẫn toát lên vẻ ảm đạm.
Ghi nhận của TG&VN vào phiên đóng cửa thị trường, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, bất ngờ giảm mạnh. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 giảm 35 USD (1,98%), giao dịch tại 1.732 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 25 USD (1,35%), xuống 1.733 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trong khi đó giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cùng quay đầu giảm theo. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm mạnh 4,95 Cent (3,07%), xuống còn 156,4 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 4,75 Cent (3,89%), xuống 159,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 20/7 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm.
|
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), nguồn cung cà phê thế giới sẽ tăng từ 2,01 triệu bao lên 2,30 triệu bao trong niên vụ cà phê 2020 - 2021, theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Trong khi đó, sức tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ giảm do phần lớn các thị trường phía Bắc bán cầu bước vào kỳ nghỉ mùa Hè. Bên cạnh đó, khó khăn trước mắt nữa là dịch Covid-19 với biến chủng Delta “sát thủ”, nhiều nước bắt đầu siết lại lệnh phong tỏa. Trong ngắn hạn, có khả năng thị trường cà phê lại gánh thêm một khó khăn do tiêu thụ cà phê giảm.
Theo dõi giao dịch, hiện tượng giá đảo của cà phê robusta kỳ này không xuất phát từ thiếu hàng thực sự, nhưng hiện tại các tồn kho tại nước tiêu thụ và sàn giảm do hàng từ các nước sản xuất không đi được. Còn tồn kho hàng thực thì vẫn đầy tại nước sản xuất, chủ yếu nằm trong tay người mua là các nhà nhập khẩu.
Tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn robusta London tuần trước tụt xuống dần chỉ còn 147.060 tấn. Cấu trúc giá đảo đang báo hiệu cho thị trường biết sàn và kho tại các nước tiêu thụ đang cần hàng. Giới chuyên gia nhận định, chi phí vận chuyển đang đóng vai trò lớn ở đây.
Hơn nữa, lượng hàng robusta tại Brazil hoàn toàn không khan hiếm, nếu không muốn nói là khá dồi dào. Giá cước Brazil-Mỹ rẻ. Cơ hội robusta Brazil chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu nhiều hơn. Một khi nông dân Brazil chấp nhận giá mua, đặc biệt lúc đồng nội tệ Real mất giá, đó sẽ là lúc làn sóng bán robusta từ Brazil sẽ áp đảo thị trường.
Tại sao bây giờ nông dân trồng robusta Brazil chưa bán? Vì nước này đang vào mùa rét. Nhà vườn muốn đợi thực hư thời tiết thế nào, nếu thời tiết tạo thuận lợi cho giá, bấy giờ họ mới bán. Nhưng nếu không thuận lợi? Họ bán càng nhanh.