📞

Giá cà phê hôm nay 21/12, Giảm sâu, robusta tiếp tục khan hàng, thị trường phụ thuộc diễn biến Covid-19

Gia An 05:31 | 21/12/2021
Trong báo cáo tháng 11, ICO tiếp tục giữ nguyên ước tính về sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ở mức 169,6 triệu bao (loại 60kg/bao), tăng 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước. Trong đó, ước tính sản lượng arabica tăng 2,3%, lên 99,27 triệu bao, trong khi robusta giảm 2,2%, xuống còn 70,38 triệu bao.
Giá cà phê trong nước hôm nay 21/12 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Newtimes)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 21/12

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên cả hai sàn giảm sâu sau phiên giao dịch đầu tuần, đảo ngược với diễn biến thị trường tuần trước, giá cà phê thế giới đều tăng tốt. Triển vọng giá cà phê cho năm 2022 phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và diễn biến của đại dịch Covid-19, có thể đe dọa nhu cầu tiêu thụ thời gian tới nới tình hình yếu đi. Vụ thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên đang có lo ngại chậm lại do hoàn lưu bão số 9. Thông tin này đã ảnh hưởng nhiều đến giá cà phê thế giới tuần qua.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 20/12), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm 17 USD (0,7%), giao dịch tại 2.422 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 25 USD (1,07%), giao dịch tại 2.308 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh vào kỳ hạn giao tháng 3/2022.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm mạnh 10,65 Cent (4,54%), giao dịch tại 224,1 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm 10,75 Cent (4,58%), giao dịch tại 224,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 21/12 giảm 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.363

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.100

- 400

LÂM ĐỒNG

40.300

- 400

GIA LAI

41.000

- 400

ĐẮK NÔNG

41.000

- 400

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Theo khu vực sản xuất, sản lượng cà phê tại châu Phi trong niên vụ 2020-2021 được điều chỉnh giảm nhẹ so với niên vụ trước xuống 18,7 triệu bao.

Sản lượng châu Á và châu Đại Dương ước tính giảm 1,1%, từ 49,5 triệu bao trong niên vụ 2019-2020 xuống 48,9 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico cũng được ước tính giảm 2,1%, xuống còn 19,2 triệu bao. Còn tại Nam Mỹ, sản lượng cà phê của khu vực này ước tính tăng 2% so với niên vụ trước, lên mức 82,8 triệu bao.

Về niên vụ 2021-2022, tình trạng băng giá ở Brazil cùng với chu kỳ sản lượng thấp của cà phê arabica vẫn là hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sản xuất cà phê nhân toàn cầu.

Báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022. Theo tổ chức này, việc hạ mức dự báo cho năm 2021 thể hiện sự giảm sút ở các nền kinh tế phát triển - một phần do sự gián đoạn nguồn cung - và các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp, phần lớn là do các yếu tố liên quan đến đại dịch đang diễn biến xấu đi.

Trong ngắn hạn, động lực cung cầu của cà phê có thể thực sự cải thiện, so với vài tháng qua. Việc các nước trên thế giới áp đặt trở lại những hạn chế liên quan đến Covid để chống lại sự lây lan của virus biến thể Omicron có thể tác động đến việc tiêu thụ cà phê, đồng thời điều kiện thời tiết ở Nam Bán cầu được cải thiện, khi Brazil sắp tới mùa Hè, có thể giúp duy trì nguồn cung.

Về nguồn cung Việt Nam, Đại diện Bộ NN&PTNT đánh giá, việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý. Khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường. Người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ''Cà phê Tây Nguyên muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…”.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai Dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển cà phê bền vững. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ sẽ chọn đặt cơ sở hạ tầng logistics cho ngành cà phê nhằm tạo ra giá trị cà phê cao hơn, có nhiều sản phẩm tinh chế hơn. Từ đó, tạo ra chuỗi ngành hàng để tăng giá trị cho hạt cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất cà phê.