📞

Giá cà phê hôm nay 21/6: Robusta khó tăng, ICO duy trì dự báo thâm hụt 3,1 triệu bao, cà phê Việt 'thắng lớn'

Gia An 05:55 | 21/06/2022
Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. ICO duy trì dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê hiện tại 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Đồng thời giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 3,3%, lên mức 170,3 triệu bao.
Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 20/6. (Nguồn: Praguemonitor)

Giá cà phê hôm nay 21/6

Giá cà phê robusta chỉ giảm nhẹ, sàn London hoạt động một mình nên có phần trầm lắng, biên độ giao dịch không lớn, trong khi sàn New York nghỉ giao dịch ngày Freedom Day. Sàn London được cho vẫn khó tăng giá, khi vẫn chưa thoát khỏi đà bán từ cuối tuần trước.

Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 20/6, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1 USD (0,05%), giao dịch tại 2.064 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 2 USD (0,1%) giao dịch tại 2.077 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 7/2022 cũng giảm 4,30 Cent (1,85%), giao dịch tại 227,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 4,40 Cent/lb (1,90%), giao dịch tại 227,40 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua 20/6.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.120

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

42.800

0

LÂM ĐỒNG

42.300

0

GIA LAI

42.700

0

ĐẮK NÔNG

42.700

0

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Nền kinh tế thế giới liên tục nhận những cú đấm bồi từ các nền kinh tế, khi ngân hàng Trung ương các nước liên tục công bố các quyết định tăng lãi suất, siết chặt tài chính vì không còn đường nào khác, trừ Ngân hàng TW Nhật Bản. Đây là tin sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường hàng hóa nói chung, trong đó có cà phê.

Màn khởi động, Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) quyết định tăng 75 điểm phần trăm thay vì 50 điểm như dự kiến, thậm chí còn đang đợi một số chỉ báo kinh tế nữa để có quyết định cho tháng 7/22. Nếu tình hình kinh tế xấu, Fed sẽ không ngần ngại tăng thêm 0,75% cho tháng tới.

Đầu tháng 7/22, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ rút chương trình cung ứng vốn về và đồng thời tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ gây bất ngờ nhất khi tăng 0,50% để tỷ lệ lãi suất còn -0,25%.

Ngân hàng Trung ương Australia cũng gây bất ngờ không kém khi quyết định tăng lãi suất điều hành vào ngày 7/6 thêm 0,50% và có thể sẽ tăng thêm 0,75% vào kỳ tới.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thêm 0,25% và vẫn để ngỏ khả năng còn phải tăng tiếp trong những tháng tới. Ngân hàng Trung ương Canada bóng gió sẽ tăng 75 điểm phần trăm lãi suất vào phiên họp ngày 13/7 tới.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ “bùng nổ” trong 5 tháng đầu năm nay trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19 trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn như Brazil hay Colombia.

Tháng 5, giá cà phê robusta nội địa có xu hướng phục hồi theo giá thế giới. Mặc dù vậy, thị trường cà phê trong nước giao dịch khá trầm lắng và chi phí phân bón cao tiếp tục tạo áp lực cho người trồng cà phê.

Lệnh phong tỏa cảng Thượng Hải và Bắc Kinh đang dần được dỡ bỏ. Điều này khiến một số người tham gia thị trường cho rằng tiêu thụ cà phê sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo NCIF, mặc dù cảng Thượng Hải đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng không thể một sớm một chiều giải quyết được lượng hàng hóa dồn ứ tại Trung Quốc. Giá cước từ cảng lên hàng hóa tại Trung Quốc hiện cao gấp 20 lần cước từ Mỹ để đưa hàng sang châu Á. Chính vì vậy, đường đi của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực ít ra trong vài tháng nữa, nếu như dịch Covid-19 hoàn toàn lắng dịu.