Giá cà phê trong nước hôm nay 22/7 bật tăng 700 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm. |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 22/7
Cuối cùng vấn đề sương giá tại các bang cà phê chủ lực của Brazil đã hiển hiện trên thị trường. Theo báo cáo ban đầu, nhiệt độ một số vùng trồng đã xuống dưới 0 độ C rạng sáng ngày 20/7, tình hình thời tiết khắc nghiệt đã nhanh chóng làm thị trường thay đổi, đẩy giá sàn cà phê arabica tăng cực mạnh, hiếm thấy từ mức giảm sâu trong ngày hôm trước. Hợp đồng kỳ hạn tại New York tăng 7,7% lên mức cao nhất kể từ năm 2016.
Giá cà phê robusta cũng bị cuốn theo sau, tuy nhiên, sự thận trọng của các nhà đầu tư đang khiến khối lượng thương mại chưa cao.
Khác hẳn với phiên giao dịch hôm qua, hôm nay thị trường phái sinh nhanh chóng đảo chiều bật tăng mạnh. Ghi nhận của TG&VN vào phiên đóng cửa thị trường, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, tăng mạnh ở các kỳ hạn giao hàng. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 tăng 18 USD (1,02%), giao dịch tại 1.779 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 24 USD (1,36%), lên 1.787 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cùng quay đầu tăng mạnh mẽ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng mạnh 9,20 Cent (5,52%), lên còn 176 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 9,20 Cent (5,42%), lên 178,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 22/7 bật tăng 700 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm.
|
Thị trường toàn cầu tiếp tục lo ngại về dịch bệnh covid-19 với biến thể mới sẽ kìm hãm đà hồi phục của nền kinh tế thế giới bên cạnh lạm phát tăng nhanh.
Nhà cung cấp Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đang buộc phải gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội để nỗ lực ngặn chặn covid-19 biến thể mới đang bùng phát trong khu vực. Yếu tố này cũng góp phần gây biến động đáng kể cho giá cà phê kỳ hạn.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới lại đang phải đối mặt với một khó khăn khác, khi những đợt khí hậu lạnh nhất trong hơn 25 năm, làm giảm triển vọng nguồn cung và đe dọa tăng giá cà phê.
Nhiệt độ tại các vùng sản xuất cà phê chính của Brazsil đã giảm xuống dưới 0 độ C trong nhiều giờ vào ngày 20/7, trong đó miền Nam Minas Gerais là vùng lạnh nhất kể từ năm 1994, theo Rural Clima (Khí hậu Nông thôn). Dự báo thời tiết lạnh sẽ tiếp tục ở vùng cực Nam của Brazil vào thứ Tư 21/7, trong khi một đợt lạnh khác dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/7.
Các đợt sương giá đang giáng đòn thứ hai lên cây cà phê ở Brazil sau đợt hạn hán nghiêm trọng khiến các cánh đồng khô cằn và làm cạn kiệt các hồ chứa nước cần thiết cho việc tưới tiêu. Ngoài ra, hạn hán có thể trở nên tồi tệ hơn, với những dự đoán hiện tượng thời tiết La Niña có khả năng sẽ quay trở lại làm lượng mưa trong khu vực bị sụt giảm. Điều này khiến người tiêu dùng phải trả thêm tiền cho cà phê trong siêu thị và các quán.
Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ, xác suất La Niña xuất hiện trở lại khoảng 45% trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, khoảng 55% từ tháng 9 đến tháng 11 và khoảng 62% từ tháng 10 đến tháng 12.
Sương giá có thể làm cháy lá và cành cây, làm giảm tiềm năng sản lượng của năm 2022. Đặc biệt, vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi cây cà phê đang ở cuối chu kỳ 2 năm và sẽ cho sản lượng nhiều hơn vào vụ mùa tới. Trên thực tế, vụ thu hoạch arabica hiện tại đã gây thất vọng thực sự, hạn hán đã làm hỏng hạt cà phê, làm cho hạt nhỏ hơn hoặc rỗng.
Một cuộc khảo sát do Công ty Thương mại Cazarini thực hiện ở Minas Gerais với các nhà xuất khẩu và nhà nông học cho biết, hai đợt sương giá vừa qua sẽ làm thu hoạch niên vụ cà phê 2022/2023 giảm khoảng 1 đến 2 triệu bao. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tồn kho cuối vụ của Brasil ở mức thấp nhất kể từ năm 1960 và dự trữ cà phê nhân của Mỹ giảm 18% so với một năm trước đó.
Các vấn đề thời tiết còn làm gia tăng sự chậm trễ của chuyến hàng từ Colombia do bất ổn chính trị và giá cước tàu biển tăng cao khiến các thương nhân khó vận chuyển hạt cà phê đi khắp thế giới. Nhiều khách mua đang trì hoãn các giao dịch trong bối cảnh chi phí biến động và lo ngại dịch bệnh Covid-19 và các biến thể làm giảm nhu cầu dưới mức trước đại dịch.
Thị trường những ngày tới sẽ còn theo dõi sát sao vấn đề thời tiết, nếu nhiệt độ ban ngày tăng cao thì hậu quả sau đêm sương giá sẽ khốc liệt hơn. Trong khi cuối tuần này mới là ngày trăng tròn và không có gì để chắc chắn rằng sương giá sẽ không trở lại các bang trồng cà phê chính của Brazil. Đó cũng là sự quan tâm hàng đầu của các giới đầu tư trên cả hai sàn cà phê phái sinh vào lúc này.