Giá cà phê trong nước hôm nay 23/8 không biến động tại các địa phương trọng điểm.(Nguồn: The-best-wishes) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 23/8
Tính chung cả tuần trước, giá cà phê robusta có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen, tăng mạnh hơn giảm. Giá kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tổng 34 USD, tức tăng 1,86 %, lên 1.862 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê arabica cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen, nhưng mức giảm lại nhiều hơn tăng. Cho nên, tính tổng trong tuần qua mức giá kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 4,50 Cent, tức giảm 2,46 %, xuống 178,25 Cent/lb.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá cà phê trên cả hai sàn lấy lại màu xanh. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 tăng 19 USD (1,03%), giao dịch tại 1.862 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 19 USD (1,02%), lên 1.882 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York nhích nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,05 Cent (0,03 %), giao dịch tại 178,25 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 0,2 Cent (0,11%), lên 181,5 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 23/8 không biến động tại các địa phương trọng điểm.
|
Biến chủng virus mới bùng phát khắp nơi khiến đại dịch Covid-19 càng trở nên nguy hiểm hơn, sức tiêu thụ cà phê toàn cầu vì thế mà tạm thời sụt giảm.
Thị trường cà phê arabica cũng sụt giảm trước ngày đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 khi đã “quá mua” trước đó do lo ngại sản lượng Brazil vụ tới sụt giảm vì đợt sương giá trong tháng Bảy.
Trái lại, giá cà phê robusta tiếp nối đà hồi phục trước thông tin nhà sản xuất hàng đầu xuất khẩu sụt giảm, vì giá cước vận tải biển đã tăng cao ngất ngưởng khiến các thị trường nhập khẩu chưa muốn mua hàng vào lúc này.
Tính đến thứ Hai ngày 16/8, tồn kho cà phê robusta được sàn London chứng nhận đã giảm thêm 1.090 tấn, tức giảm 0,77 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 141.330 tấn (tương đương 2.355.500 bao, bao 60kg).
Thị trường cũng dễ dàng nhận thấy dòng vốn đầu cơ đã chuyển mạnh sang thị trường cà phê arabica do lợi nhuận biên của sàn New Yorrk đang có sức hấp dẫn hơn trong ngắn hạn.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) mới đây dự báo sản lượng cà phê Việt Nam, một trong những nhà xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới niên vụ 2021 – 2022 phục hồi và tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao sau khi khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê vào niên vụ trước.
Với cà phê robusta chiếm hơn 95% tổng sản lượng và giá có xu hướng tăng trong 12 tháng qua đã tạo động lực cho người trồng cà phê tăng năng suất bằng cách tăng cường chi phí tưới tiêu trong giai đoạn khô hạn từ tháng 1 đến tháng 3. Ngoài ra, nông dân tiếp tục trồng xen cà phê với các loại cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, chia sẻ với Reuters, đại diện Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam lại cho biết, sản lượng cà phê robusta trong mùa tới có thể tiếp tục giảm do nông dân tăng cường trồng xen canh các loại cây ăn quả, hạt và rau.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT Việt Nam, diện tích cà phê của Việt Nam năm 2020 là 680.000 ha, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, Bộ NN&PTNT ước tính diện tích cà phê sẽ giảm xuống khoảng 675.000 ha. Nguyên nhân là giá cà phê liên tục xuống thấp thời gian dài nên người dân đã giảm diện tích, trồng xen canh với các loại cây khác. Thêm vào đó, nhiều vùng cà phê đã già cỗi, tốc độ tái canh chậm chạp dẫn tới sản lượng cà phê giảm.