📞

Giá cà phê hôm nay 23/9: Robusta quay đầu giảm; Xuất hiện nhiều đối thủ nặng ký cạnh tranh với nhà cung cấp Việt Nam

Gia An 05:12 | 23/09/2021
Theo dữ liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 9/2021 đạt 51.018 tấn (tương đương 850.000 bao), đưa xuất khẩu 8,5 tháng đầu năm nay lên đạt tổng cộng 1.034.022 tấn (khoảng 18,90 triệu bao), giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê trong nước hôm nay 23/9 giảm 300 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm. (Nguồn: Newtimes)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 23/9

Báo cáo tồn kho cà phê robusta tại sàn tiếp tục sụt giảm khiến thị trường London vẫn duy trì cấu trúc giá đảo nhằm hút hàng về và bù đắp phần nào cho giá cước vận tải biển hiện đang cao ngất ngưởng. Thậm chí, giá cà phê robusta nới rộng thêm khoảng cách giá đảo do mối lo nguồn cung chậm trễ từ nhà sản xuất robusta hàng đầu vẫn còn nguyên…

Giá cà phê arabica điều chỉnh tăng sau chuỗi giảm liên tiếp do ở vành đai cà phê Brazil đã xuất hiện tin tốt về thời tiết, có lợi cho cây cà phê. Những cơn mưa đầu mùa đang giúp giảm bớt mối lo khô hạn.

Ghi nhận trước giờ đóng cửa, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 quay đầu giảm 18 USD (0,83%), giao dịch tại 2.142 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng giảm 12 USD (0,57%), xuống 2.110 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng trở lại. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 1,5 Cent (0,82%), giao dịch tại 184,85 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 1,5 Cent (0,81%), lên 187,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng khá tốt.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 23/9 giảm 300 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.196

Trừ lùi: +18

ĐẮK LẮK

40.500

- 300

LÂM ĐỒNG

39.600

- 300

GIA LAI

40.400

- 300

ĐẮK NÔNG

40.400

- 300

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Chỉ còn ít tuần nữa vụ cà phê mới ở Việt Nam sẽ bắt đầu, lúc này thị trường đang bắt đầu dao động theo những dự báo về sản lượng, khả năng cung cấp ra thị trường của vụ tới.

Theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), xuất khẩu trong tháng 8/2021 đạt 700.990 bao, tăng tới 34,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê robusta tăng 38,99% và xuất khẩu cà phê Arabica tăng 4,44%, đưa xuất khẩu 11 tháng đầu của niên vụ hiện tại 2020/2021 lên đạt tổng cộng 5,09 triệu bao cà phê các loại, tăng 21,73% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Uganda được coi là đối thủ "nặng ký" của các nhà xuất khẩu robusta hàng đầu. Với quỹ đất còn rất lớn để mở rộng diện tích, quốc gia này đang thể hiện tham vọng thay thế là nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới của Việt Nam.

Về người khổng lồ Brazil, năm nay Conab đánh giá nước này sẽ được mùa robusta với 16,1 triệu bao, trong khi đó arabica sẽ giảm mạnh đến 37%, từ 48,8 triệu bao xuống 30,7 triệu bao.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) ở Brazil cho biết, khoảng 3,5 triệu bao cà phê đã không được giao lên tàu trong vài tháng qua khiến xuất khẩu cà phê trong tháng 8/2021 của quốc gia này sụt giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ, Đức, Bỉ, Italy và Nhật Bản là 5 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Brazil.

Thị trường đang “nín thở” chờ xem nhà khổng lồ về địa ốc Evergrande của Trung Quốc có hoàn tất được nghĩa vụ này, bởi đây sẽ là tín hiệu quan trọng về khả năng tiếp tục trả nợ của công ty. Vấn đề nằm ở chỗ Evergrande quá lớn, đến nỗi một vụ vỡ nợ ở công ty này sẽ không chỉ khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, mà còn gây ảnh hưởng khắp thị trường toàn cầu.

Sự kiện trên khiến các sàn chứng khoán đồng loạt rớt giá, chỉ có vàng và cà phê robusta hưởng lợi. Hiện tất cả chờ đợi phản ứng của Evergrande và phiên họp của Fed.