Giá cà phê trong nước hôm nay 24/9 nhích nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Cadillaccoffee) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 24/9
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn tiếp tục biến động trái chiều sau báo cáo vụ mùa kết thúc thu hoạch của Công ty phân phối thực phẩm quốc gia của Brazil (Conab). Theo báo cáo, Conab ước tính sản lượng cà phê robusta tăng tới 4,5% so với ước tính trước đó lên mức kỷ lục là 16,1 triệu bao, trong khi sản lượng arabica giảm 8% xuống ở mức 30,7 triệu bao.
Như thường lệ, cho dù ước tính của Conab được coi là thấp hơn từ 6% đến 10% so với thực tế nhưng con số được báo cáo này vẫn tác động nhất định lên xu hướng giá trong ngắn hạn.
Ghi nhận trước giờ đóng cửa, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 quay đầu giảm 18 USD (0,83%), giao dịch tại 2.142 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng giảm 12 USD (0,57%), xuống 2.110 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng trở lại. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 1,5 Cent (0,82%), giao dịch tại 184,85 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 1,5 Cent (0,81%), lên 187,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng khá tốt.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 24/9 nhích nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Thị trường tài chính lạc quan trở lại sau khi chứng khoán thế giới hồi phục với động thái mới của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Evergrande. Trong khi đó, sau 2 ngày họp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD, đồng thời sẽ thu hẹp dần chương trình mua nợ 120 tỷ USD/tháng hiện nay, bắt đầy từ tháng 11/2021.
Sau quyết định của Fed, đồng Real giảm đưa tỷ giá xuống ở 1 USD = 5,3030 Real. Trong khi đó, thị trường không chờ đợi sự bất ngờ tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ Brazil, vì Chủ tịch Copom đã gợi ý tuần trước rằng, lần này nên tăng lãi suất cơ bản đồng Real khoảng 1%.
Trong báo cáo đánh giá thị trường mới nhất, Fitch Solutions nhấn mạnh tác động đáng kể từ dịch Covid-19 ở Việt Nam tới thị trường cà phê thế giới. Tổ chức này cho rằng các biện pháp phong tỏa, giãn cách phòng dịch bệnh tại Việt Nam sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Theo đó, giá cà phê có thể duy trì ở mức "tương đối cao" trong cả năm sau.
Cùng với Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil vừa trải qua các đợt khí hậu cực đoan làm ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng của họ. Thời tiết xấu cũng gây thất thu trong mùa vụ cà phê ở Colombia, một nhà sản xuất cà phê lớn khác của thế giới. Việc xuất hiện biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 tại Colombia, theo đánh giá của Fitch Solutions, có thể khiến quốc gia Nam Mỹ này phải kéo dài thêm các quy định hạn chế phòng dịch.
Trong khi nguồn cung cà phê còn giảm tiếp vì ảnh hưởng dịch bệnh, Fitch Solutions đánh giá nhu cầu với mặt hàng này sẽ tăng trong những tháng tới. Đây sẽ là viễn cảnh ít nhất tại châu Âu và Mỹ khi các lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19 nới lỏng, nhiều cửa hàng, chuỗi bán cà phê mở lại.
Bất chấp thực tế còn nhiều khó khăn trước mắt, các chuyên gia phân tích thị trường vẫn tin tưởng những biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh sẽ sớm được gỡ bỏ từng bước. Do đó, những gián đoạn, đứt gãy tạm thời về xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chỉ là ngắn hạn.
Theo dữ liệu báo cáo, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 9/2021 đạt 51.018 tấn (tương đương 850.000 bao), đưa xuất khẩu 8,5 tháng đầu năm nay lên đạt tổng cộng 1.034.022 tấn (khoảng 18,90 triệu bao), giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới kinh doanh nội địa ở Việt Nam, tuy giá kỳ hạn London thiết lập mức cao 4 năm mới, nhưng nông dân trồng cà phê chẳng được hưởng lợi gì do họ đã bán hết hàng. Lượng hàng tồn trong nước hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn ngoại.