Giá cà phê hôm nay 26/6/2024
Giá cà phê thế giới sau phiên tăng mạnh là giảm sâu.
Giá cà phê trong nước hôm nay giảm mạnh 3.000 đồng, trả về đúng mức giá giao dịch trước phiên tăng ngày hôm qua, hiện giao dịch trong khoảng 120.000 - 121.400 đồng/kg.
Như vậy, mới chỉ qua 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê trên 2 sàn biến động lên xuống liên tục, với mức giá mạnh. Phiên giao dịch vừa qua, không chỉ cà phê mà nhiều sàn nông sản khác cùng vàng và dầu thô đều đồng loạt giảm.
Theo phân tích của chuyên gia, cà phê giảm do các sàn thanh lý hợp đồng mua khống, cộng với tin tức có mưa ở những vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil. Thị trường đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu toàn cầu với thông tin từ Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho rằng, thế giới đã xuất khẩu thêm 11% cà phê trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024, đạt tổng cộng 80,99 triệu bao. Xuất khẩu cà phê arabica tăng gần 13%, chủ yếu hàng hóa được xuất khẩu từ Brazil.
Tại Việt Nam, giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp không đủ nguồn tiền để mua lúc cao điểm dẫn đến việc cần phải giảm sản lượng kinh doanh. Đặc biệt là phải siết chặt nguồn hàng bán ra để quản lý rủi ro, tránh thiệt hại về kinh tế, chỉ khi có đủ hàng mới bán cho đối tác quốc tế. Hơn nữa, niên vụ 2024 - 2025 tới, cà phê tại địa bàn có khả năng mất mùa do hạn hán nên các doanh nghiệp cũng hết sức thận trọng trong hoạt động kinh doanh...
Giá cà phê trong nước hôm nay 26/6 giảm 3.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch ngày 25/6, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London lại quay đầu giảm rất mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 135 USD, giao dịch tại 4.117 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 126 USD giao dịch tại 3.937 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 6,97 Cent, giao dịch tại 229,30 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 7 Cent, giao dịch tại 227,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 26/6 giảm 3.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Theo nhiều thương nhân và nhà phân tích, giá cà phê robusta bán buôn tại Việt Nam và cả giá kỳ hạn giao dịch tại sàn London đã tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, chủ yếu do vụ thu hoạch kém ở Việt Nam và do lo ngại về vụ thu hoạch tiếp theo tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Theo dữ liệu mới nhất của Eurostat, giá bán buôn kỷ lục cho đến nay đã có tác động hạn chế đến giá tiêu dùng, với lạm phát cà phê tăng 1,6% tại 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong tháng 4, và 2,5% tại Italy.
Các nhà rang xay đang bắt đầu chuyển chi phí đầu vào tăng cao vào giá bán. Bên cạnh đó, một số thương nhân cho rằng những lo lắng về sản lượng tại Việt Nam sẽ còn kéo dài vì lượng mưa không đủ.
Giá bán buôn cao cũng có thể tiếp tục tồn tại do nhu cầu cà phê robusta đang tăng trên toàn cầu và nông dân đã tăng cường đòn bẩy trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều người cũng đã thay thế cây cà phê bằng sầu riêng do nhu cầu của Trung Quốc lớn.
Dự báo nhu cầu cà phê ở trong nước và thế giới vẫn ở mức cao đi liền với giá cước vận tải biển và mặt bằng hàng hóa tăng sẽ kéo giá cà phê lên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt hơn 862.400 tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, giảm hơn 8% về sản lượng nhưng tăng 38% về trị giá. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt tại vùng Tây Nguyên.
ICO và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đề xuất thành lập một quỹ toàn cầu mới để hỗ trợ ngành cà phê, đặc biệt là nông dân. Mục đích việc thành lập quỹ này để tập trung cho vay trực tiếp đối với các hợp tác xã cà phê và các các hộ sản xuất cà phê. Mục tiêu tăng sản lượng cà phê trước tình hình nguồn cung giảm và nhu cầu trên toàn cầu lại đang tăng mạnh.
Các thành viên của Đối tác cà phê quốc tế ICP, đã vận động các nhà hoạch định chính sách EUDR trì hoãn việc thực hiện thời hạn thực thi Luật chống phá rừng của châu Âu sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024.