Giá cà phê trong nước hôm nay 27/4 giảm tiếp 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. |
Giá cà phê hôm nay 27/4
Dù chốt phiên vẫn còn giảm, nhưng trong phiên giao dịch ngày 26/4, giá cà phê robusta đã bắt đầu điều chỉnh tăng nhẹ trở lại, sau phiên lao dốc không phanh của ngày hôm trước. Thị trường cũng kỳ vọng giá cà phê London sẽ được cải thiện đáng kể trong những ngày sắp tới do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê "vị đắng” vẫn còn cao.
Trong khi đó, giá cà phê arabica đã tăng trong phiên gần nhất, dù đã trải qua một phiên sụt giảm kéo dài trước đó do USDX tăng mạnh khiến tỷ giá đồng Real giảm mạnh, khuyến khích nông dân Brazil đẩy mạnh việc bán các loại hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cà phê của Brazil không nhiều, do lượng tồn kho gối vụ không dồi dào, trong khi phần lớn đầu cơ trên sàn New Yorrk vẫn đứng bên ngoài thị trường theo dõi.
Giao dịch thương mại trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục trầm lắng, hầu hết nhà nông đã thể hiện sự kháng giá khi cho rằng mức giá sàn London vẫn dao động ở mức thấp khiến họ thua lỗ, trong khi vật tư phân bón đầu vào cho sản xuất hiện đã ở mức quá cao.
Đóng cửa phiên giao ngày 26/4, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 chỉ còn giảm nhẹ 12 USD (0,58%), giao dịch tại 2.054 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 12 USD (0,58%) giao dịch tại 2.061 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu điều chỉnh tăng, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 0,45 Cent (0,2%), giao dịch tại 221,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 0,35 Cent/lb (0.16%), giao dịch tại 221,0 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 27/4 giảm tiếp 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Kết quả kinh doanh của ngành cà phê Việt Nam trong quý I/2022 có nhiều điểm tích cực. So với cùng kỳ vài năm trước thì quý I/2022 có kết quả sản xuất, kinh doanh vào loại tốt nhất. Không còn những lo lắng, căng thẳng giữa các đợt phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, khi mà nhà vườn thiếu nhân công thu hái, giới kinh doanh chạy ngược chạy xuôi tìm đầu ra.
Tuy nhiên, hết mối lo này lại có mối lo khác, các doanh nghiệp cà phê hiện vẫn lo lắng giá cà phê lên xuống thất thường vì những chính sách kinh tế vĩ mô và tình hình địa chính trị. Chiến tranh Nga- Ukraine đang làm đứt mạch thị trường Đông Âu nói chung, Nga và một số nước lân cận với Ukraine nói riêng.
Hiện chưa biết thị trường Nga sẽ nhập khẩu bao nhiêu tấn cà phê, nhiều hay ít so với con số 75.000 tấn của năm ngoái.
Bên cạnh đó, khủng hoảng logistics kéo dài do thành phố cảng Thượng Hải bị phong tỏa chặt vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc, tình trạng thiếu chỗ trên tàu và thiếu container có thể trở lại, cước tàu vốn đã cao, khả năng sẽ còn cao hơn.
Về mặt sản xuất, giá đầu vào như phân bón, xăng dầu, chi phí nhân công leo cao sẽ khiến nhà vườn cà phê càng khó khăn nếu thiếu chủ động về thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn phân bón như kali, SA hầu hết đều nhập khẩu từ Nga, Ukraine, Belarus, nay họ tạm ngừng xuất khẩu và sản lượng cà phê niên vụ 2022-2023 có thể giảm nếu như mưa nắng thất thường.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong quý I/2022 uớc đạt 53,2 triệu bao (bao 60kg) tương đương 3,19 triệu tấn, thì thị phần cà phê Việt Nam chiếm khoảng 1/6.