Giá cà phê trong nước hôm nay 28/7 tăng mạnh 900 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn) |
Giá cà phê hôm nay 28/7
Giá cà phê robusta vẫn đứng trước áp lực giảm giá khi nguồn cung tỏ ra vượt trội hơn cà phê arabica trên sàn New York. Trong tháng 7, giá cà phê robusta tích lũy giằng co trong khung 1.915 – 2.005. Việc chưa kiểm định thành công vùng kháng cự 2000-2010 gây khó khăn cho đà tăng của giá robusta trong tương lai. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa chính thức thông tin quan trọng về tỷ lệ lãi suất mới nhằm kiềm chế lạm phát, dự kiến sẽ có nhiều tác động rõ ràng hơn lên thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê.
Giá cà phê arabica có sự phục hồi tốt nhờ cả yếu tố tiền tệ và yếu tố cung cầu. Đồng Real tiếp tục tăng so với USD, hỗ trợ cho đà tăng của giá cà phê arabica. Tồn kho cà phê chuẩn sàn ICE tiếp tục lập mức đáy trong 23 năm ở mức 703.3 nghìn bao. Thời tiết khô ráo không mưa ở vùng trồng cà phê chính của Brazil là Minas Gerais khiến giới đầu tư quan ngại về tình trạng khô hạn có thể ảnh hưởng tới sản lượng cà phê ở Brazil đang trong chính vụ thu hoạch.
Giá cà phê arabica trước giờ Fed công bố lãi suất vẫn trong dao động giằng co trong biên độ 205-225. Vùng kháng cự gần của giá là 203-205 và xa hơn nếu để mất mốc 200 một lần nữa thì có thể tìm lại vùng đáy cũ 193 – 194. Tuy nhiên, giá cà phê arabica phải kiểm định và duy trì trên vùng 220-223 mới đủ hấp dẫn kích hoạt lực mua mạnh.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 27/7 tăng mạnh trên cả hai sàn kỳ hạn. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 35 USD (1,77%), giao dịch tại 2.009 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 33 USD (1,67%) giao dịch tại 2.007 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tiếp tục tăng mạnh 5,9 Cent (2,77%), giao dịch tại 219,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 5,9 Cent/lb (2,82%), giao dịch tại 215,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 28/7 tăng mạnh 900 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đồng USD tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm khi báo cáo mới được công bố cho thấy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn ổn định dù điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn trong quý II. Sức hút đồng USD tạm thời suy yếu khi thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trước báo cáo kinh doanh ổn định của nhiều doanh nghiệp.
Nhìn chung đồng USD sẽ còn diễn biến khó lường khi tuần này sẽ công bố nhiều thông tin quan trọng như động thái tăng lãi suất của Fed, chỉ số GDP và chi tiêu tiêu dùng cá nhân quý II/2022 của Mỹ.
Giá cà phê arabica tiếp nối đà tăng khá mạnh nhờ sự hỗ trợ của tồn kho ICE giảm xuống mức thấp 23 năm mà vẫn chưa ghi nhận có sự bổ sung nào đáng kể, trong khi nguồn cung từ khối sản xuất arabica chế biến ướt chất lượng cao truyền thống khu vực Mexico – Trung Mỹ thường chiếm hơn 70% khối lượng tồn kho của sàn dường như đã cạn kiệt.
Trái lại, giá cà phê robusta trên sàn London chững lại trước nổi lo suy thoái kinh tế khu vực Eurozone có khả năng gia tăng vì lạm phát vượt mức. Trong khi chiến cuộc Đông Âu và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu cải thiện mà những bất ổn nội khối vẫn còn dai dẳng đã khiến Lãnh đạo nhiều nền kinh tế lớn trong khối đã phải từ chức. Đồng Euro giảm xuống ngang bằng USD lần đầu tiên cũng khiến nhà đầu tư chùng tay.
Xuất khẩu cà phê của châu Phi trong tháng 5 giảm 0,9% và tính chung 8 tháng giảm xuống còn 8,7 triệu bao so với 8,8 triệu bao của cùng kỳ 2020-2021. Trong đó, xuất khẩu của Uganda giảm 7,9% trong tháng 5 và giảm 4% trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022. Nguyên nhân là bởi sản lượng của Uganda giảm do hạn hán ở một số khu vực trồng cà phê của nước này. Xuất khẩu của Tanzania cũng giảm 3,6% trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, trong khi Ethiopia tăng 18,9%. Xuất khẩu cà phê từ Trung Mỹ và Mexico trong tháng 5 cũng ghi nhận mức giảm 14,5% xuống 1,9 triệu bao.
Tính chung 8 tháng đầu năm cà phê hiện tại, xuất khẩu của khu vực này đã giảm 1,1%, đạt 10,3 triệu bao. Sự sụt giảm mạnh trong tháng 5 là do xuất khẩu từ Honduras, nhà xuất khẩu lớn nhất khu vực giảm tới 37,3% so với cùng kỳ, xuống còn 0,5 triệu bao. Trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022, Honduras đã xuất khẩu 3,3 triệu bao cà phê, giảm 11,8% so với cùng kỳ vụ trước.Lượng mưa ít hơn trong thời kỳ đậu quả tại một số vùng trồng cà phê, cũng như tỷ lệ mắc bệnh gỉ sắt cao do hậu quả của các cơn bão Eta và Iota vào năm 2020, là nguyên nhân chính khiến sản lượng của Honduras giảm.
Nông dân cà phê Việt Nam đã nhẹ nhõm hơn khi giá vật tư nguyên liệu đầu vào hiện đã bớt sốt nóng, nhưng cũng khiến sản lượng cà phê năm nay sẽ giảm 3% so với năm trước.