Giá cà phê trong nước hôm nay 28/9 giảm mạnh 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 28/9
Ngoài ra, điều thị trường suy đoán cuối cùng cũng đã xảy ra, giá cà phê đảo chiều, điều chỉnh giảm trên cả hai sàn kỳ hạn và chờ đợi biến động khi xu hướng đầu cơ đã vào vùng “quá mua”.
Đối với giá cà phê robusta, việc duy trì cấu trúc giá nghịch đảo kéo dài trên sàn London và khối lượng thương mại rất thấp trong tháng cuối cùng của niên vụ cà phê 2020/2021, đã phản ánh sự quan tâm và thận trọng hơn của nhà đầu tư trong bối cảnh phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh covid-19 và cước phí vận tải biển tăng cao ngất ngưởng hiện nay.
Ghi nhận tại giờ đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 đồng loạt giảm sâu 27 USD (1,26%), giao dịch tại 2.121 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm 14 USD (0,47%), xuống 2.115 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp dưới trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tcũng quay đầu giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 0,7 Cent (0,36%), giao dịch tại 193,65 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 0,7 Cent (0,36%), xuống 196,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp giảm xuống dưới mức trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 28/9 giảm mạnh 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đồng Real tiếp tục suy yếu cũng đã góp phần hạ nhiệt trên các thị trường kỳ hạn thế giới. Thị trường vẫn còn nguyên mối lo vỡ nợ của Evergrande ở Trung Quốc, trong khi Chỉ số USD tiếp tục mạnh lên sau tuyên bố của quan chức Fed – Mỹ hé lộ khả năng sẽ sớm cắt giảm kích thích. Điều cần quan tâm nữa là những bất ổn trên chính trường Brazil vẫn còn nguyên và áp lực lạm phát trong tương lai vẫn còn cao.
Trong khi đó, các báo cáo thời tiết tại bang Minas Gerais, bang trồng cà phê arabica chủ lực của Brazil đã có mưa lớn. Trong khi vùng cà phê Tây nguyên ở Việt Nam cũng có nhiều mưa hỗ trợ cho cây cà phê robusta nâng cao năng suất trước thềm vụ thu hoạch mới năm nay.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong tháng 8/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.012 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, tăng 4,7% so với tháng 7/2021 và tăng 9,4% so với tháng 8/2020.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.864 USD/tấn, tăng 8,9% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Trung Quốc.
Khi so sánh với tháng 8/2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021 sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ và Philippines.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 111,7 nghìn tấn. Con số này trị giá 224,75 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với tháng 7/2021, nhưng so với tháng 8/2020 tăng 11,5% về lượng và tăng 22% về trị giá.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Còn 1 vài tuần nữa Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch năm nay. Theo ghi nhận, nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ khi mà lợi nhuận thu được không đáng là bao. Ngoài chi phí đầu tư vào sản xuất vẫn tăng đều đặn qua các năm, hiện nay mối lo trước mắt đang là thiếu nhân công thu hái. Nguyên nhân do tình hình dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn phải áp dụng các biện pháp mạnh phòng dịch.