Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 tăng 400 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm. (Nguồn: Freepik) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 2/9
Giá cà phê robusta tăng liên tiếp phiên thứ tám trong ngày hôm qua 1/9. Trong khi giá cà phê arabica đã giảm mạnh ngay sau phiên đầu tuần tăng rất mạnh.
Giá cà phê robusta tiếp nối đà tăng do còn nguyên mối lo nguồn cung từ Việt Nam. Thị trường kỳ vọng tình trạng trì trệ sẽ được cải thiện vào giữa tháng 9, khi chính quyền nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, kết hợp với mức giá kỳ hạn London hiện hành sẽ thu hút lượng hàng giao xuống tàu tăng cao.
Trong khi đó, giá cà phê arabica tăng rất mạnh phiên đầu tuần do dự báo thời tiết Brazil tiếp tục khô hạn. Tuy nhiên, giá đã quay đầu giảm đáng kể hai phiên liên tiếp gần đây khi báo cáo thời tiết vành đai cà phê ở miền Nam Brazil đã bớt căng thẳng.
Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch, giá cà phê trên cả hai sàn đều tăng, tuy nhiên, cà phê robusta bật tăng mạnh mẽ trong khi arabica tiếp tục là một phiên ddieuf chỉnh nhẹ. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tăng 40 USD (1,94%), giao dịch tại 2.066 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 34 USD (1,68%), lên 2.028 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục là một phiên điều chỉnh sau phiên đầu tuần tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 chỉ tăng 0,05 Cent (0,03%), giao dịch tại 195,95 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng nhẹ 0,1 Cent (0,1%), lên 198,6 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 2/9 tăng 400 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Tóm lại, trong tháng 8 vừa qua giá cà phê tăng nhanh, hiện ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm do sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trong khi xuất khẩu cà phê Việt Nam gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo nhận định, giá robusta tiếp tục tăng nhờ số liệu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm, do dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, giá cà phê arabica điều chỉnh giảm khi thông tin bão Ida đổ bộ vào đất liền không mạnh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng như dự báo ban đầu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/22 sẽ giảm 11,0 triệu bao (khoảng 7%) so với năm trước xuống 164,8 triệu, chủ yếu do ảnh hưởng của những đợt hạn hán và băng giá đối với vụ mùa của Brazil khi cây cà phê Arabica bước vào năm cuối của chu kỳ cho năng suất cao hai năm một lần.
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2021/22 được USDA dự báo sẽ phục hồi 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.
Với việc robusta chiếm hơn 95% tổng sản lượng và giá robusta có xu hướng cao hơn trong 12 tháng qua, nhiều người trồng cà phê Việt Nam đã có động lực để tăng năng suất bằng cách chấp nhận tốn kém hơn cho việc tưới tiêu cho cây cà phê trong mùa khô, thường kéo dài từ tháng Một đến tháng Ba.
Nông dân tiếp tục trồng xen cà phê với các loại trái cây như bơ, sầu riêng để tăng thu nhập. Xuất khẩu cà phê Việt Nam được dự báo sẽ tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, trong khi tồn trữ sẽ giảm nhẹ.
Tuy nhiên, Ngành cà phê Việt Nam đang gánh chịu áp lực kép từ dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container trầm trọng. Dự kiến xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam chững lại do TP. Hồ Chí Minh, trung tâm xuất khẩu cả nước đang trong tình trạng giãn cách xã hội vì số ca lây nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt.
Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa tại một số vùng sản xuất chính của Tây Nguyên, đặc biệt là việc vận chuyển cà phê từ xưởng đến cảng. Điều này kéo theo hàng loạt các vấn đề khác như sự thiếu hụt container và giá cước vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp giao hàng chậm và có nguy cơ phải bồi thường cho đối tác.
Hiện, các hiệp hội, ngành hàng trong đó có Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Sau phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng ở các tỉnh phía Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, đặc biệt là mặt hàng cà phê và gạo. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương bỏ ngay những quy định, thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.