Giá cà phê trong nước tăng mạnh 800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 28/1). |
Giá cà phê hôm nay 29/1
Giá cà phê thế giới kéo dài xu hướng tăng giá trong hai tuần qua, trong đó, giá cà phê robusta đánh dấu chốt tuần bằng cú tăng vọt hiếm có.
Các nhà quan sát phân tích, sở dĩ giá tăng mạnh trên cả hai sàn chủ yếu là do các hoạt động kỹ thuật khi các Quỹ và đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Trong khi đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết các thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại đà nâng lãi suất USD tại phiên họp điều hành tiền tệ vào giữa tuần tới.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 27/1), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 59 USD (2,96%), giao dịch tại 2.053 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 54 USD (2,75%), giao dịch tại 2.016 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 2,05 Cent/lb (1,23%), giao dịch tại 169,2 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 2 Cent/lb (1,2%), giao dịch tại 169,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Tại thị trường nội, giá cà phê trong nước duy trì đà tăng tại các tỉnh trọng điểm. So với ngày 27/1, giá thu mua theo khảo sát tăng 800 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng 42.200 - 42.800 đồng/kg.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước tăng mạnh 800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 28/1).
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Dự kiến, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm mức tiêu thụ suy thoái vì các lệnh đóng cửa nghiêm ngặt để phòng chống covid-19 của nhiều quốc gia trên thế giới và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các NHTW trên thế giới.
Tuy nhiên, thị trường cà phê được dự đoán sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2023. Giá cà phê chịu áp lực do nhu cầu yếu khi ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong khi nguồn cung lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.
Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia.
Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.