Sau phiên điều chỉnh giảm ngay đầu tuần, giá cà phê hôm nay bất ngờ tăng vọt trở lại. |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 29/9
Tình hình càng trở nên "nóng" hơn khi thị trường dần bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh ở các nước tiêu thụ lớn như Mỹ và Châu Âu nhằm phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm. Thêm vào đó, việc Brazil mất mùa cũng là cơ hội lớn để Việt Nam và một số nhà cung cấp khác tận dụng cơ hội để khỏa lấp chỗ trống.
Giá cà phê arabica tiếp tục chuỗi ngày tăng giá sau một phiên ngắt quãng, do vẫn còn nguyên mối lo khô hạn ở vành đai cà phê Brazil. Bên cạnh đó là thông tin sản lượng arabica năm nay giảm tới 8% so với dự báo trước đó, xuống ở mức 30,7 triệu bao.
Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 đồng loạt tăng mạnh 39 USD (1,84%), giao dịch tại 2.160 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 30 USD (1,42%), lên 2.145 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp dưới trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng trở lại. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 4,95 Cent (2,56%), giao dịch tại 198,6 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 5 Cent (2,55%), lên 201,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch ở dưới mức trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 29/9, tăng mạnh 500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Thế giới lại vào ''cơn sốt'' mới. Giá năng lượng tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đồng thời khiến giá thành sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo.
Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại châu Âu tăng 250% trong khi tại châu Á tăng 175%. Giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tại nhiều nước Âu Mỹ tăng. Nhiều nhà sản xuất thép, phân bón… phải ngừng sản xuất hay giảm công suất. Các nước ôn đới đang lo mùa rét tới nhiều nơi thiếu chất đốt. Giá nhiên liệu và vận tải tăng sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản xuất nông sản tăng, trong đó có mặt hàng cà phê.
Với thị trường trong nước, giao dịch cà phê tại Việt Nam tuần qua vẫn yếu do thiếu nguồn cung. Sức mua yếu do người bán chưa chấp nhận giá xuất khẩu tính trên chênh lệch so với giá niêm yết quá thấp, trên 200 USD/tấn FOB dưới giá London; Lo ngại rủi ro về giá một khi London tăng cao, hàng khó giao do người bán có thể thiếu hàng do bán khống; Lệnh phong tỏa đang còn được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất và trung tâm logistics, làm các bên mua bán chưa định được hướng kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định, giá cà phê trong nước thời gian tới tiếp tục xu hướng tăng và sẽ lập đỉnh vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Theo đồ thị diễn biến giá cà phê, cứ mỗi 10 năm giá cà phê lại lập đỉnh mới và tạo thành chu kỳ thể hiện qua các giai đoạn 2001-2011 và 2011-2021. Đây là sự hình thành ngẫu nhiên, đã kéo dài từ 30 năm nay.
Hiện nay, giá cà phê tăng nhưng do cuối vụ nên người nông dân không được hưởng lợi. Nếu giá cà phê lập đỉnh vào cuối năm sẽ rất tốt cho người nông dân và ngành cà phê của Việt Nam, vì vào tháng 11 hàng năm là mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.
Nhưng khi đã lập đỉnh rồi thì cà phê sẽ quay đầu giảm giá, dù vậy giá sẽ vẫn tốt đến vụ cà phê năm sau vì phải chờ đến tháng 7/2022 khi Brazil thu hoạch vụ cà phê mới, hoặc Indonesia thu hoạch vào tháng 4/2022, đến lúc đó giá cà phê mới biến động nhiều và trước mắt Việt Nam vẫn “một mình một chợ” nên giá vẫn tốt.
Còn 1 vài tuần nữa Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch năm nay. Tuy nhiên, nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ khi mà lợi nhuận thu được không đáng kể. Ngoài chi phí đầu tư vào sản xuất vẫn tăng đều đặn qua các năm, hiện nay mối lo trước mắt đang là thiếu nhân công thu hái. Nguyên nhân do tình hình dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn phải áp dụng các biện pháp mạnh phòng dịch.