Giá cà phê trong nước hôm nay 30/12 tăng 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Rodeo West) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 30/12
Giá cà phê trên cả hai sàn London và New York đã có pha đảo chiều ngoạn mục. Sau nhiều phiên xu hướng giảm chủ đạo, "màu xanh đậm" đã điền đầy cả hai bảng giá giao dịch điện tử, cả robusta và arabica đều tăng mạnh. Giá cà phê robusta từ giữa tháng 12 tăng trở lại do những tín hiệu xấu về sản lượng, đặc biệt thông tin từ nhà cung cấp robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam, khi hoạt động thu hái, phơi sấy bị chậm lại. Thời tiết vùng cà phê Tây nguyên hiện vẫn âm u kéo dài, tiếp tục gây khó cho nhà nông trong việc phơi sấy hàng hóa, trong khi thu hoạch vụ mùa sẽ bị kéo dài thêm vài tuần nữa so với những năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo về trung hạn, giá cà phê sẽ được hỗ trợ bởi các báo cáo sản lượng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả cà phê arabica. Trong ngắn hạn, giá cà phê toàn cầu sẽ ổn định do các nước phương Tây sắp bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Ghi nhận của TG&VN vào giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng mạnh 22 USD (0,89%), giao dịch tại 2.482 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 21 USD (0,90%), giao dịch tại 2.364 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp, hiện tượng giá đảo tiếp tục duy trì nhưng khoảng cách đã thu hẹp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 3,3 Cent (1,46%), giao dịch tại 228,9 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng tăng 3,3 Cent (1,46%), giao dịch tại 228,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 30/12 tăng 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Giá cà phê bắt đầu phục hồi trở lại và tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2021. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, Việt Nam, Colombia. Tồn kho trên hai sàn New York và London liên tục giảm mạnh, thiếu container, giá cước vận tải tăng chóng mặt… Tình hình này vẫn đang trực tiếp ảnh hưởng lên thị trường cà phê toàn cầu.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé), năm 2022 được cho là một năm khó khăn đối với người trồng cà phê tại Brazil, nước sản xuất lớn nhất thế giới, khi hạn hán và sau đó là sương giá đã làm hư hại đến 20% số cây cà phê, có nguy cơ làm giảm sản lượng trong tương lai.
Theo báo cáo của Cecafé, tháng 11/2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 2,6 triệu bao cà phê hạt, giảm 48,7% so với tháng 11/2020; trong đó gồm 2,4 triệu bao cà phê arabica và 186,1 nghìn bao cà phê robusta, giảm lần lượt 41,5% và 44,4%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cà phê robusta đã chậm lại, trong khi giá cà phê arabica điều chỉnh giảm sau báo cáo sản lượng vụ mùa năm 2021 của Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản (Conab) thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. Mặc dù Conab báo cáo điều chỉnh tăng không nhiều nhưng điều này chứng tỏ thiệt hại vì khô hạn kéo dài từ đầu năm nay và đợt sương giá đầu tháng 7/2021 không quá nặng nề như đánh giá trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 có khả năng giảm do nhiều cây trồng già cỗi không được tái canh kịp thời vì mức giá thấp kéo dài, trong khi một số diện tích đáng kể được nhà nông chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Còn theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia Colombia (Fedecafe), sản lượng cà phê robusta năm nay của nước này có khả năng giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và người trồng chưa muốn bán ra với kỳ vọng giá sẽ tăng thêm.
Giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua, giá cà phê trong nước có thời điểm lên mức cao nhất là 43.000 đồng/kg. Cả vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Đặc biệt, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần. EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Đông Nam Á với 13%. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền…
Thông tin từ Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ IX (2017-2020) và bàn phương hướng nhiệm kỳ X (2021-2024) của VICOFA, trong những năm tới, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm ''Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng''.