📞

Giá cà phê hôm nay 3/1, Giá cà phê tăng quá tốt, dự báo còn tăng, giới đầu cơ chốt lời đến phút chót

Gia An 05:12 | 03/01/2022
Tính chung cả năm 2021, giá cà phê robusta trên sàn London đã tăng tới 899 USD/tấn, tương đương 61,11 USD. Giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 89,85 Cent/lb, tương đương 65,94%. Đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mà các yếu tố hỗ trợ cho giá vẫn có thể tiếp tục duy trì cho giai đoạn sắp tới.
Giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch đầu năm (1/1/2022). (Nguồn: Quotesideas)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 3/1

Ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá cà phê hai sàn kỳ hạn dao động chủ yếu trong vùng âm, nguyên nhân được cho là sự chốt lời và điều chỉnh vị thế đầu cơ cuối năm ở New York với khối lượng rất đáng kể. Trong khi phần lớn đầu cơ tại London đã rời khỏi sàn giao dịch do thị trường này kéo dài kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 đến hết ngày thứ Hai 3/1.

Tuy nhiên, giá cà phê robusta tại London vẫn được hỗ trợ bởi báo cáo xuất khẩu từ Việt Nam giảm. Xuất khẩu trong tháng 12 ước tính chỉ đạt 130.000 tấn (tương đương 2,17 triệu bao), giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do giá cước vận chuyển tăng quá cao khiến các thương nhân không mặn mà với việc đưa cà phê vào sàn London để tham gia đấu giá.

Ghi nhận của TG&VN vào giờ đóng cửa phiên giao dịch cuối năm (ngày 31/12), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm nhẹ 3 USD (0,13%), giao dịch tại 2.370 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 2 USD (0,09%), giao dịch tại 2.310 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp, hiện tượng giá đảo tiếp tục duy trì.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 2,75 Cent (1,2%), giao dịch tại 226,1 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 2,8 Cent (1,22%), giao dịch tại 226,0 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Tại thị trường trong nước, trong 6 ngày qua, thị trường nhìn chung có xu hướng đi xuống, các tỉnh thành ghi nhận mức giảm 200 đồng/kg so với đầu tuần, hiện đang dao động trong khoảng 40.700 - 41.500 đồng/kg.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch đầu năm (1/1/2022).

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.425

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.500

- 100

LÂM ĐỒNG

40.700

- 100

GIA LAI

41.400

- 100

ĐẮK NÔNG

41.400

- 100

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Tính chung cả năm 2021, giá cà phê robusta trên sàn London đã tăng tới 899 USD/tấn, tương đương 61,11 USD. Giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 89,85 Cent/lb, tương đương 65,94%. Giới đầu cơ chốt lời đến phút chót của năm.

Sau 10 năm, kể từ siêu chu kỳ hàng hóa năm 2011, thế giới lại bước vào giai đoạn mà giá cả tăng cao ở mức kỷ lục. Năm 2021 cũng chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng đột biến của nhiều nhóm hàng như nông sản, trong đó có cà phê. Đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mà các yếu tố hỗ trợ cho giá vẫn có thể tiếp tục duy trì cho giai đoạn sắp tới.

Cũng như bất kỳ loại hàng hóa hay sản phẩm đầu tư nào khác, giá cà phê cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố vĩ mô như dịch bệnh hay phải đối mặt với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đà tăng vững vàng của cả hai mặt hàng cà phê arabica và robusta đều có được sự hỗ trợ lớn khi mà nguồn cung của hai nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil đều ở trong tình trạng bị sụt giảm mạnh.

Đối với thị trường arabica, sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và sương giá trong năm vừa qua. Không chỉ sản lượng của niên vụ 2022/23 bị sụt giảm mà tiềm năng của những niên vụ sau đó cũng bị tổn thất nặng, bởi cà phê vốn là cây công nghiệp lâu năm, và sẽ mất nhiều thời gian để cây sinh trưởng. Mức tồn kho arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đã liên tục giảm từ giữa tháng 8 đến nay, và mức tồn kho mới nhất được ghi nhận vào ngày 15/12 thấp hơn gần 30% so với 4 tháng trước, hiện là 1,56 triệu bao 60kg.

Trên thị trường robusta, nguồn cung từ Việt Nam với diện tích hơn 100.000 ha, đều đang bước vào giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên, tiến độ có thể bị chậm do tình trạng khan hiếm nhân công thu hái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng nhân công đổ về các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ít hơn hẳn so với mọi năm. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xuất khẩu cà phê vào đầu năm sau của nước ta, mà cũng sẽ khiến cho tốc độ canh tác niên vụ mới bị lùi lại.

Nguồn cung khan hiếm cũng phản ánh rõ qua các số liệu xuất khẩu của cả Việt Nam và Brazil. Từ năm 2020 đến nay, xuất khẩu cà phê của hai nước đều giảm. Trong báo cáo gần nhất của Hiệp hội xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), khối lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 11 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, do tình trạng thiếu hụt container và tắc nghẽn tại các cảng.