📞

Giá cà phê hôm nay 4/5: Giá robusta sẽ chuyển lên vùng 1.460 - 1.480 USD, kinh nghiệm 'bán vào tháng 5 rồi chạy' có đúng?

Gia An 05:05 | 04/05/2021
Dự kiến giá cà phê robusta tuần này sẽ có biến động đáng kể khi nguồn cung từ các nhà sản xuất ở châu Á bị trì trệ do dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến họ phải tái lập biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Dự báo giá cà phê robusta tuần này sẽ có biến động đáng kể. (Nguồn: Getty Images)

Diễn biến giá cà phê hôm nay 4/5

Thị trường London nghỉ lễ Boxing Day hôm qua, đóng cửa cả ngày, không giao dịch. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng nhẹ. Trong đó, kỳ hạn giao ngay tháng 7, tăng 4 USD (0,28%), lên 1.456 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 4 USD (0,27%), lên 1.479 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Giá cà phê trong nước hôm nay 4/5, giảm 100 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trọng điểm.

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Bảo Lộc ROBUSTA

32.400 (VNĐ/Kg)

— Di Linh ROBUSTA

32.300

— Lâm Hà ROBUSTA

32.400

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

33.400

— Ea H'leo ROBUSTA

33.200

— Buôn Hồ ROBUSTA

33.200

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

33.100

— Ia Grai ROBUSTA

33.100

— Chư Prông ROBUSTA

33.000

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

33.000

— Gia Nghĩa ROBUSTA

33.100

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

33.100

HỒ CHÍ MINH

— R1

34.600

Hôm nay, ghi nhận của TG&VN lúc 1h00 ngày 4/5, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,2 Cent (0,85%), xuống 140,25 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm thêm 1,25 Cent (0,87%), xuống 142,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp.

Phân tích thị trường

Giá cà phê arabica giao tháng 7 chủ yếu vẫn bị ảnh hưởng do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung khi thời tiết các vùng gieo trồng chính tại Brazil vẫn đang khô hạn, trong khi nhu cầu tại Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, song song với các chỉ số kinh tế tích cực.

Bên cạnh đó, đồng Real của Brazil tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp và kết thúc tháng 4 với mức tăng 3,59%, tháng tăng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, khiến cho lực bán từ nông dân nước này suy yếu.

Tuy nhiên, đồng USD đang phục hồi sau khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu mất niềm tin vào các tuyên bố của Fed, dẫn đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại, có thể là yếu tố gây sức ép lên giá các mặt hàng công nghiệp trong tuần này.

Cùng với đó, diễn biến dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ và Nhật Bản khiến thị trường đang bị bao trùm bởi một tâm lý khá tiêu cực. Giới đầu cơ nước ngoài thường có một câu ngạn ngữ “sell in May and go away” — dựa vào lịch sử hoạt động kém của thị trường trong tháng Năm. Vì thế, đây sẽ là yếu tố hạn chế lực mua trong thời gian tới.

Về mặt kỹ thuật, nhìn vào biểu đồ hàng ngày của hợp đồng arabica tháng 7, có thể thấy đường MACD đang ở cao trên mức 0 và có xu hướng đi ngang, trong khi RSI hướng xuống cho thấy xác suất giả có thể tiếp tục điều chỉnh về mức hỗ trợ của đường trendline. Các chuyên gia phân tích của MXV dự đoán, giá cà phê arabica sẽ kiểm tra lại mức hỗ trợ 140 Cent trong đầu tuần này.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đã có những bước tăng rất mạnh mẽ, lên mức 1.456 USD/tấn. Khoảng cách chênh lệch giữa 2 mặt hàng cà phê đang được thu hẹp sau khi bị nới rộng mạnh trong tuần trước đó, bất chấp việc đồng USD phục hồi, thường gây sức ép lớn hơn lên cà phê robusta. Điều này cho thấy nhu cầu cà phê hòa tan có thể vẫn sẽ đứng vững khi châu Âu đang chịu tác động bởi “suy thoái kép”.

Ngoài ra, các ca nhiễm mới tại Việt Nam trong một vài ngày gần đây có thể gây ra tâm lý lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Do đó, giá cà phê robusta có thể chuyển lên vùng 1.460 — 1.480 trong đầu tuần này.

Một số quốc gia châu Âu bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, hứa hẹn nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các hàng quán sớm gia tăng trở lại, trong khi mối lo nguồn cung thiếu hụt từ nhà sản xuất hàng đầu đã kích thích các giới đầu cơ quay lại tăng mua…