Giá cà phê trong nước hôm nay 4/8 không đổi tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Rodeo West) |
Giá cà phê hôm nay 4/8
Hoàn tất chuỗi tăng ngắn hạn, giá cà phê robusta cho thấy mức điều chỉnh nhẹ, tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch kỳ hạn tháng 9 và tháng 11/2022. Thị trường vẫn còn nguyên nỗi lo lạm phát vượt mức và kinh tế thế giới suy thoái sau khi báo cáo CPI của nhiều nước có kết quả yếu kém hơn mức dự đoán.
Trong khi đó, giá cà phê arabica lại có một phiên lội ngược dòng, trong bối cảnh tất cả các thông tin từ yếu tố tiền tệ tới nguồn cung dồi dào, và nỗi lo lạm phát làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ đều đang tác động theo hướng tiêu cực tới giá cà phê arabica. Thị trường vẫn tiếp tục quan sát những biến chuyển mới nhất từ thời tiết Brazil để chờ đợi dự báo thông tin sương giá để có thể cứu giá cà phê.
Dữ liệu chi tiết của ICO cho thấy, trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2022, xuất khẩu cà phê arabica đạt tổng cộng 80,78 triệu bao, giảm 1,81 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê robusta đạt tổng cộng 49,20 triệu bao, tăng 2,26 triệu bao so với 12 tháng trước đó.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 3/8, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1 USD (0,05%), giao dịch tại 2.026 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 3 USD (0,15%), giao dịch tại 2.023 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 quay đầu tăng mạnh 4,75 Cent (2,26%), giao dịch tại 214,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 4,35 Cent/lb (2,20%), giao dịch tại 211,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 4/8 không đổi tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Thị trường lo ngại rủi ro tăng cao với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ “diều hâu” hơn tại phiên họp điều hành tiền tệ kỳ tới và Copom – Brazil sẽ chưa kết thúc chu kỳ tăng lãi suất tại cuộc họp mới nhất, khi “lạm phát chưa thể kiểm soát được”.
Thị trường hàng hóa sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. USD index đã hồi phục tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng chính trị mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vì chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ.
Cả USD và vàng đều tăng giá trong khi các tài sản rủi ro khác và một số mặt hàng nông sản hàng hóa trong đó có cà phê đều chịu áp lực giảm giá vì khi có bất ổn chính trị dòng tiền sẽ trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng, JPY. Thị trường tuần này chờ đợi dữ liệu số việc làm hàng tháng của Mỹ, 1 trong những thước đo hiệu quả của chính sách tiền tệ đối với sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu.
Thị trường cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 nói chung và quý II nói riêng khá thuận lợi khi giá xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp thuận lợi. Điều này thể hiện trong con số kim ngạch và lượng xuất khẩu đạt kỷ lục.
Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, thị trường cà phê Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát ở các nước khu vực châu Âu, Mỹ đều tăng cao. Trong khi đó, đây đều là các thị trường quan trọng của ngành cà phê Việt Nam.
Ngoài ra, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid-19 gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế.
Theo Công ty phân tích vận tải Clarksons Research, tổng công suất của đội tàu container của thế giới đã tăng trong thời kỳ đại dịch, tăng 2,9% vào năm 2020 sau khi tăng 4% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2018.