📞

Giá cà phê hôm nay 5/6/2024: Giá cà phê tiếp tục tăng bất chấp các lực cản, khó dự đoán giá sẽ còn tăng đến đâu

Gia An 13:52 | 05/06/2024
Tổng sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 24/25 dự báo là 29 triệu bao, với sản lượng robusta ước tính là 27,85 triệu bao và arabica là 1,15 triệu bao. Những con số này trên thực tế vẫn ổn định so với sản lượng vụ 23/24 sau điều chỉnh là 29,10 triệu bao và Việt Nam vẫn duy trì diện tích sản xuất cà phê là 600 nghìn ha, theo báo cáo của USDA.

Giá cà phê hôm nay 5/6/2024

Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng tốt trên cả hai sàn giao dịch phái sinh London và New York.

Giá cà phê trong nước đồng loạt tăng 1.500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm, hiện dao động trong khoảng 123.500 - 125.000 đồng/kg.

Giá cà phê có vẻ đang đứng về phía những nhà kinh doanh - những báo cáo nhận định thực tế nghiên về xu hướng thị trường hơn là những báo cáo từ các cơ quan khảo sát và nghiên cứu của các chính phủ có phần như đang lạc quan hơi quá về sản lượng của các nước sản xuất. Chúng ta có thể thấy điều đó khi giá của cả hai thị trường không sụt theo nhận định kỹ thuật cho dẫu thị trường hiện đã đi vào giai đoạn mua vượt mức một thời gian khá dài, giá cà phê luôn có lực mua mỗi khi giá sụt xuống mức thấp.

Trên thực thế, hai sàn cà phê phái sinh tiếp tục tăng bất chấp mọi dữ liệu cho thấy các yếu tố ủng hộ giá giảm. Các quỹ đầu cơ mua khống khá nhiều và đồng USD tăng trở lại cũng không cản bước được đà tăng của cà phê.

Ngoài ra, vụ thu hoạch cà phê mới vẫn đang tiếp tục diễn ra tại các khu vực trồng Conilon robusta, trong khi cà phê arabica đang giai đoạn thu hoạch tăng tốc ở Brazil cho đến tháng 7. Về mặt thời tiết, các nhà dự báo cho biết là thuận lợi trong thời gian ngắn và điều kiện thu hoạch tốt vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo vụ mùa mới đang thu hoạch của Brazil, sẽ đạt tổng cộng 69,90 triệu bao. Dự báo này cao hơn một chút so với nhiều nhà khảo sát độc lập khác, và có liên quan đến mức tăng 7,35% trong sản lượng cà phê arabica chế biến phơi khô tự nhiên trong vụ 2024/2025. Sản lượng arabica ước tính là 48,20 triệu bao, tăng 1,40% trong khi đó sản lượng cà phê robusta Conilon, đạt tổng cộng 21,70 triệu bao. USDA còn dự báo, Brazil sẽ xuất khẩu nhiều hơn 2,40% so với niên vụ trước.

Về cầu, cà phê đang trở thành đồ uống phổ biến hơn ở nhiều quốc gia, với tốc độ tăng trưởng vượt xa trà và nước ngọt có ga. Tiêu thụ cà phê trên toàn thế giới đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, dẫn đầu là tiêu dùng châu Á, tăng 14,5% kể từ năm 2018.

Trong khi đó, nguồn cung hạn chế vẫn là vấn đề lớn sẽ tác động đến thị trường trong dài hạn. Điều kiện khó khăn tại các vùng trồng cà phê trọng điểm bao gồm Brazil, Colombia và Việt Nam đang góp phần đẩy giá tăng và có ít dấu hiệu cải thiện. Hạn hán, sương giá và cháy rừng ở Brazil đã gây thiệt hại tới 1/5 diện tích trồng cà phê arabica và lượng mưa dưới mức trung bình tiếp tục cản trở sản xuất. Ngoài ra, còn những rào cản về vấn đề hậu cần tồi tệ trong 6 tháng qua về tuyến đường vận chuyển, thường bị tình trạng tắc nghẽn tại các cảng xuất khẩu quan trọng là Santos và Vitoria tới thị trường tiêu dùng.

Giá cà phê trong nước hôm nay 5/6 tăng 1.500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam tại chốt phiên giao dịch ngày 4/6, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tiếp tục tăng 60 USD, giao dịch tại 4.332 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 79 USD giao dịch tại 4.189 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 7,35 Cent, giao dịch tại 233,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2024 tăng 7,2 Cent, giao dịch tại 232,70 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 5/6 tăng 1.500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.183

0

ĐẮK LẮK

124.500

+ 1.500

LÂM ĐỒNG

123.500

+ 1.500

GIA LAI

124.500

+ 1.500

ĐẮK NÔNG

125.000

+ 1.500

(Nguồn: giacaphe.com)

Nguồn cung cà phê robusta khan hiếm từ Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, là một yếu tố tăng giá trong dài hạn và khá vững chắc.

Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê năm 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 1,336 triệu tấn.

Cục Hải quan Việt Nam mới đây công bố báo cáo cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 5 của Việt Nam giảm 36,5% so với cùng kỳ xuống 95.000 tấn và xuất khẩu cà phê từ tháng 1 đến tháng 5 giảm 3,9% so với cùng kỳ xuống 833.000 tấn. Tuy nhiên Cơ quan dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 31/5 dự báo sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ mới 2024/25 sẽ giảm nhẹ xuống 27,9 triệu bao từ mức 28 triệu bao, tức là khoảng 1,68 triệu tấn, cao hơn mức của Việt nam tự dự báo.

Báo cáo CFTC về vị thế mua bán của các thương gia mới nhất từ ​​thị trường cà phê New York cho thấy giới đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng của họ lên 5,82% đăng ký vị thế mua mới với 43.787 lô.

Đối với thị trường London Báo cáo CFTC cũng cho thấy giới quản lý các nguồn quỹ đã tăng vị thế mua ròng của họ lên 14,46% trên thị trường tính đến thứ Ba ngày 28/5/2024 để đăng ký vị thế mua ròng mới là 24.721 lot. Như vậy trên cả hai thị trường đã không thanh lý vị thế mua của mình bằng cách bán ra như nhiều người vẫn nghĩ, mà lại tiếp tục tăng vị thế mua thêm vào, điều này càng khiến cho các thành phần trên thị trường khó mà dự đoán được giá sẽ còn tăng đến đâu, đặc biệt khi đi vào mùa Đông của Brazil kể từ ngày 21/6.

Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia từ Sumatra, hòn đảo sản xuất cà phê hàng đầu của Indonesia, đã báo cáo rằng xuất khẩu cà phê robusta của hòn đảo này trong tháng 4 là 57.015 bao, thấp hơn 46,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xuất này đánh dấu tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2024/2025 của đảo quốc này với ước lượng khoảng 85% là loại cà phê robusta.

Về mặt lịch sử xuất khẩu thì robusta của Indonesia được đánh giá là phù hợp và gần gũi với các nhà rang xay châu Âu hơn so với loại cà phê Conillon/robusta của Brazil, trong khi cả hai quốc gia này đang có vụ thu hoạch mới vào giữa năm nay đều đang được yêu cầu để lấp đầy những khoảng trống do sự thiếu hụt từ nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất là Việt Nam.