Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (7/8). (Nguồn: Freepik) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 8/8
Thị trường robusta tiếp tục chứng kiến sự thanh lý, chốt lời của đầu cơ ngắn hạn cho dù vẫn còn lo ngại nguồn cung bị chậm lại vì cước phí vận tải biển quá đắt đỏ và nhất là dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta bùng phát.
Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực khi đồng Real suy yếu đã hỗ trợ người Brazil mạnh tay bán. Trong khi đó, thông tin về hy vọng có mưa tại các vùng cà phê phía Nam Brazil trong tuần sau đã ngăn chặn đà tăng của arabica. Khiến giá cà phê của cả 2 sàn cùng lao dốc phiên cuối cùng của tuần này.
Ghi nhận tại phiên đóng cửa cuối tuần này, giá cà phê đồng loạt giảm trên cả hai sàn giao dịch phái sinh. Tuy nhiên, cà phê robusta giảm giá khá mạnh. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 giảm 21 USD (1,19%), giao dịch tại 1.743 USD/tấn; Trong khi vẫn giữ nguyên hiện tượng giá đảo, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 28 USD (1,57%), xuống 1.754 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng khá.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York chỉ điều chỉnh giảm nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,9 Cent (0,51%), giao dịch tại 176 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 0,85 Cent (0,47%), xuống 179,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước giảm 400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (7/8).
|
Dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan và Chỉ số USD tăng mạnh khiến dòng vốn đầu cơ dồn vào thị trường chứng khoán làm các sàn hàng hóa phái sinh cùng nhau lao dốc…
Trị giá xuất khẩu cà phê quý II/2021 của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính giảm so với quý I/2021, ngoại trừ Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, Algeria, Thái Lan, Hoa Kỳ. Trong 2 quý đầu năm, xuất khẩu cà phê robusta đạt 729,7 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Dự báo 5 tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục và dự kiến sẽ kéo dài tiếp. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB, mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Việt Nam phải giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa, vì vậy, xuất khẩu cà phê sắp tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng tiếp tục kéo dài khiến chi phí tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới.
Đây không chỉ là khó khăn của riêng Việt Nam mà hầu hết các nước xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á đều có chung khó khăn về logictics.
Để tháo gỡ vấn đề logistics, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải. Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển nên gợi ý này đang được tính đến.